TextBody
, 18/05/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Giới thiệu sách “Mối (Isoptera) gây hại các công trình đê đập ở Việt Nam”

23/09/2021

Mối (Isoptera) gây hại các công trình đê đập từ rất lâu đã là một vấn được quan tâm đặc biệt bởi các nhà quản lý công trình thủy lợi và rất nhiều các nhà khoa học. Bởi tập tính ưa thích làm tổ và sinh sống trong môi trường đê, đập đã khiến cho mối trở thành loài gây nguy hiểm đến sự an toàn, bền vững của công trình. Các tài liệu về phòng trừ mối khá phong phú, nhưng chủ yếu đề cập đến mối gây hại công trình kiến trúc, kho tàng. Số lượng công trình nghiên cứu và mức độ phong phú, chuyên sâu đến phòng trừ mối gây hại đê, đập còn ít và hạn chế.

Cuốn sách “Mối (Isoptera) gây hại các công trình đê đập ở Việt Nam” là một tác phẩm cung cấp cho người đọc những tư liệu bổ ích trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của nhóm côn trùng xã hội là mối nói chung và mối gây hại đê đập nói riêng. Cuốn sách được biên soạn bởi tập thể các nhà khoa học từ Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình dưới sự chủ trì của PGS.TS Trịnh Văn Hạnh. Đây là công trình tổng hợp các kết quả nghiên cứu của tập thể cán bộ nghiên cứu trong Viện cùng với sự hợp tác nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục Ft. Lauderdale thuộc Đại học Florida Hoa Kỳ và Khoa Nông học, thuộc Đại học Georgia, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội... do nhà Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành.

Cuốn sách gồm 6 chương, trong đó chương 1 đưa đến cho người đọc được cái nhìn tổng quan về lịch sử nghiên cứu mối hại đê đập trên thế giới và Việt Nam. Chương thứ 2 tập trung giới thiệu các vấn đề về tác hại của mối đối với đê sông và đập đất ở Việt Nam. Chương 3 và chương 4 được ưu tiên thiết kế để dành cho các nhà nghiên cứu trẻ có quan tâm đến vấn đề mối nói chung và đặc biệt là mối gây hại trên đê đập nói riêng. Trong đó, bộ phương pháp nghiên cứu về mối hại đê, đập thường quy nhất được giới thiệu cụ thể tại chương 3 và những kiến thức về hệ thống phân loại mối gây hại đê, đập được thể hiện tại chương 4. Sang đến chương thứ 5, người đọc có thể tìm hiểu những kết quả nghiên cứu từ cơ bản đến chuyên sâu về đặc điểm sinh học, sinh thái học một số loài mối gây hại đê đập điển hình ở Việt Nam. Và tại chương 6, nhóm tác giả trình bày các phương pháp phòng chống mối gây hại đê đập đã và đang áp dụng ở Việt Nam cũng với ưu nhược điểm của từng phương pháp.

Với lượng thông tin và tri thức đã cung cấp, cuốn sách trở thành là tài liệu quý giá có thể dùng để học tập, nghiên cứu, phát huy phát triển lĩnh vực nghiên cứu về mối gây hại nói chung và mối gây hại đê đập ở Việt Nam nói riêng. Cuốn sách cũng có thể được ứng dụng tham khảo trong các cơ quan quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi ở Việt Nam. Các chi cục Thủy lợi, chi cục quản lý đê điều tại các tỉnh thành trong cả nước cũng nên có trong tay cuốn sách này để có thể bổ sung và hỗ trợ kiến thức về mối gây hại công trình đê đập, góp phần đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi trong quá trình quản lý, vận hành và sử dụng.

 

 

bia sach Moi

Bìa cuốn sách “Mối (Isoptera) gây hại đê đập ở Việt Nam”

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Phòng trừ mối

Tin mới nhất