TextBody
, 18/05/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ độc lập cấp Quốc gia

26/08/2020

WIP – Ngày 26/8/2020, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài KH&CN độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã tại Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau”, mã số ĐTĐL.CN-26/17 do ThS. Nguyễn Minh Đức làm chủ nhiệm, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chủ trì thực hiện.

Hội đồng nghiệm thu gồm có GS.TS Bùi Công Hiển, chuyên gia độc lập, chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Mai Phú Quý, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, phản biện 1; PGS.TS. Phạm Đức Tuấn, chuyên gia độc lập, phản biện 2; cùng các ủy viên: PGS.TS. Nguyễn Kiều Băng Tâm, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Trần Chí Trung, Trung tâm Tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; TS. Đỗ Quý Mạnh, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình.

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan quản lý đề tài có Ông Trần Nam Bình, Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước. Về phía cơ quan chủ trì đề tài, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình có PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Viện trưởng cùng các thành viên trong nhóm quản lý và thực hiện đề tài.

Sau lời phát biểu khai mạc Hội nghị của PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, ThS. Nguyễn Minh Đức, chủ nhiệm đề tài đã thay mặt nhóm thực hiện báo cáo trước Hội đồng quá trình thực hiện và kết quả đạt được của nhiệm vụ.

Qua quá trình điều tra, khảo sát từ năm 2017 – 2020, đề tài đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về hiện trạng đa dạng sinh học cũng như những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và môi trường tại khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau. Đề tài đã xây dựng được bộ tiêu chí, quy trình và hướng dẫn kỹ thuật chi tiết cho việc thành lập và đánh giá khu bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã; đồng thời đã đề xuất được bộ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã.

Xây dựng được 03 mô hình thử nghiệm bảo tồn đa dạng sinh học quy mô cấp xã ở các vùng sinh thái khác nhau: mô hình bảo tồn và sử dụng hợp lý hệ sinh thái rừng ngập mặn, mô hình bảo tồn động vật hoang dã kết hợp du lịch sinh thái và mô hình bảo tồn loài có giá trị kinh tế trong khu vực.  

Xây dựng được 01 phần mềm về quản lý, tra cứu và cập nhật cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, kinh tế – xã hội của khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã hoàn thành việc đào tạo 02 thạc sĩ, góp phần đào tạo 01 tiến sĩ; Xuất bản 08 bài báo trên các tạp chí trong nước và 01 bài báo trên tạp chí quốc tế có chỉ số ISI; Hoàn thành bản thảo cuốn sách chuyên khảo về “Đa dạng sinh học khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau” đã được hội đồng thẩm định đánh giá thông qua về nội dung và chất lượng, hiện đang chờ xuất bản.

Sau khi nghe nhận xét của các thành viên trong Hội đồng cũng như các khách mời, GS.TS. Bùi Công Hiển, chủ tịch Hội đồng kết luận: Đây là một đề tài có nội dung nghiên cứu rộng, liên quan nhiều lĩnh vực, khối lượng công việc thực hiện lớn, đặc biệt có ý nghĩa thực tiễn trong việc phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học. Các kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học và thực tiễn để triển khai các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã tại các khu Bảo tồn, khu Dự trữ sinh quyển khác. Đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt; hồ sơ nhiệm vụ chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy định.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm và nhóm thực hiện đề tài xem xét bố cục lại báo cáo tổng hợp, chỉnh sửa các lỗi văn bản, nêu cụ thể các phương pháp và cách thức điều tra, cập nhật một số luật mới về Lâm nghiệp, nghị định, văn bản mới về đa dạng sinh học, chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

Đề tài được đánh giá đạt yêu cầu để trình Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu chính thức.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phát biểu khai mạc cuộc họp

ThS. Nguyễn Minh Đức, chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài

PGS.TS. Mai Phú Quý, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, phản biện 1 phát biểu tại cuộc họp

PGS.TS. Phạm Đức Tuấn, chuyên gia độc lập, phản biện 2 phát biểu tại cuộc họp

PGS.TS. Nguyễn Kiều Băng Tâm, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại cuộc họp

PGS.TS. Trần Trí Trung, Trung tâm Tư vấn Quản lý Thuỷ nông có sự tham gia của người dân phát biểu tại cuộc họp

PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

TS.Đỗ Quý Mạnh, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phát biểu tại cuộc họp

Ông Trần Nam Bình, Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên phát biểu tại cuộc họp

GS.TS. Bùi Công Hiển, chuyên gia độc lập, chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận cuộc họp

 

Người viết: Trần Thu Huyền

 Phòng Kế hoạch, Tài chính

Tin mới nhất