TextBody
, 18/05/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Họp Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”

04/09/2020

WIP - Ngày 04/9/2020, Văn phòng chương trình KH&CN cấp quốc gia về Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” do TS. Đỗ Quý Mạnh, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình làm chủ nhiệm.

Thành phần Hội đồng nghiệm thu có PGS.TS. Phạm Đức Tuấn, chuyên gia độc lập, chủ tịch; PGS.TS. Ngô Đình Quế, Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, phó chủ tịch; PGS.TS. Bùi Thế Đồi, Trường Đại học Lâm nghiệp, phản biện 1; TS. Triệu Thái Hưng, Viện nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, phản biện 2; cùng các ủy viên: GS.TS. Vũ Minh Cát, Hội Thủy lợi Việt Nam; PGS.TS. Trần Văn Thụy, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Trần Bình Trọng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; TS. Lê Văn Chính, Vụ Khoa học Xã hội nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về phía đơn vị chủ trì nhiệm vụ là Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình có ThS. Phạm Văn Động, Phó Viện trưởng; ThS. Nguyễn Đăng Dũng Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính và nhóm thực hiện đề tài.

Báo cáo trước Hội đồng, thay mặt nhóm thực hiện, TS. Đỗ Quý Mạnh, chủ nhiệm đề tài cho biết khu vực Nam Trung Bộ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có tiềm năng phát triển các ngành nghề du lịch, khai thác và nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hàng hải và ngành công nghiệp chế xuất… Tuy nhiên do điều kiện địa hình dốc, lũ lụt diễn ra nhanh chóng và thất thường, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu nên các hiện tượng thiên tai bão lũ thường xuyên diễn ra gây thiệt hại nặng nề cho khu vực này. Trước thực tiễn cấp bách nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt hàng và Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình được giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” với mục tiêu của đề tài là đánh giá được hiện trạng rừng ngập mặn, diễn biến tác động của biến đổi khí hậu và định hướng phục hồi, phát triển rừng ngập mặn cho các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ; Chọn được bộ giống cây ngập mặn phù hợp với vùng Nam Trung Bộ và diễn biến của biến đổi khí hậu; Xây dựng được 02 mô hình trồng và chăm sóc rừng ngập mặn; xây dựng được quy trình canh tác tổng hợp rừng ngập mặn ven biển và đánh giá được hiện trạng thực thi các chính sách; Đề xuất chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn tại các tỉnh Nam Trung Bộ.

Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu từ năm 2017 – 2020, đề tài đã cho thấy cái nhìn tổng quan về diện tích và chất lượng rừng ngập mặn hiện tại cũng như tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội đến rừng ngập mặn Nam Trung Bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đề tài đã xây dựng 01 vườn ươm giống cây ngập mặn có quy mô 1.000 m2 với số lượng cây giống là 26.000 cây để xây dựng mô hình của đề tài; Xây dựng 02 mô hình trồng rừng và phục hồi rừng ngập mặn tại tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận với quy mô 6ha đạt tỷ lệ sống cây ngập mặn là trên 85%, cây sinh trưởng phát triển tốt.

Đề xuất được quy trình canh tác tổng hợp rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và đề xuất các chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn khu vực Nam Trung Bộ.

Đề tài đã phát hiện phân vùng mới đối với loài Cóc đỏ (Lumnitzera littorea (Jack) Voigt.) là loài thực vật quý có tên trong sách đỏ Việt Nam, tại rừng ngập mặn tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó cũng phát hiện ra loài giáp xác chân đều hại trên 10ha Bần trắng tại tỉnh này cho thấy cần phải được quản lý, phòng trừ.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã hoàn thành việc đào tạo 03 thạc sĩ, hỗ trợ đạo tạo 02 tiến sĩ; Xuất bản 04 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và 01 bài trên tạp chí quốc tế; Xuất bản 01 cuốn sách tham khảo về rừng ngập mặn Nam Trung Bộ.

Sau khi nghe nhận xét của các thành viên trong Hội đồng, PGS.TS. Phạm Đức Tuấn - Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đây là một đề tài có ý nghĩa thực tiễn to lớn, nghiên cứu vấn đề có tính cấp thiết của nước ta hiện nay trong việc giải quyết những yếu tố tổn thương vùng bờ sông, ven biển. Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt và đúng tiến độ đề ra. Hồ sơ nghiệm thu nhiệm vụ chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy định.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài và nhóm thực hiện chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt.

 

Một số hình ảnh tại cuộc họp

TS. Đỗ Quý Mạnh, chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo trước hội đồng

PGS.TS. Bùi Thế Đồi, Trường Đại học Lâm nghiệp, phản biện 1 phát biểu tại cuộc họp

TS. Triệu Thái Hưng, Viện nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, phản biện 2 phát biểu tại cuộc họp

TS. Trần Bình Trọng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy viên hội đồng phát biểu tại cuộc họp

GS.TS. Vũ Minh Cát, Hội Thủy lợi Việt Nam, ủy viên hội đồng phát biểu tại cuộc họp

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ủy viên hội đồng phát biểu tại cuộc họp

PGS.TS. Trần Văn Thụy, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ủy viên hội đồng phát biểu tại cuộc họp

PGS.TS. Phạm Đức Tuấn, chủ tịch hội đồng phát biểu kết luận cuộc họp

 

Người viết: Trần Thị Thu Huyền

 Phòng Kế hoạch, Tài chính

Tin mới nhất