TextBody
, 06/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Một số dẫn liệu ban đầu về mối (Isoptera) ở Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau

20/03/2018

(WIP) - Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau thuộc vùng đất thấp, thường xuyên bị ngập nước và có các hệ sinh thái đặc thù như hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh thái rừng tràm nằm sâu trong lục địa. Đây là khu vực được xem là nơi có sự đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, các dẫn liệu khoa học về đa dạng côn trùng còn rất hạn chế, đặc biệt là dẫn liệu về mối (Isoptera). Trong khuôn khổ thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tồn da dạng sinh học quy mô cấp làng, xã” do Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chủ trì thực hiện, chúng tôi đã tiến hành điều tra khảo sát về thành phần loài và một số đặc điểm sinh học, sinh thái học của mối. Thời gian tiến hành: đợt 1 từ ngày 27/9 đến 04/10/2017; đợt 2 từ ngày 10/3 đến 17/3/ 2018.

 Kết quả bước đầu đã thu thập được 84 mẫu mối và xác định được 7 loài thuộc 6 giống, 3 họ có mặt tại khu vực nghiên cứu. Trong số 7 loài thu được, loài Nasutitermes mantagensiformis chiếm tỷ lệ mẫu cao nhất (chiếm 38,1% tổng số mẫu thu được), tiếp sau lần lượt là loài Microcerotermes burmanicus (chiếm 35,7%), Nasutitermes dimorphus (chiếm 9,5%), Coptotermes gestroi (chiếm 7,1%), Termes propinquus (chiếm 4,8%) và cuối cùng là hai loài Schedorhinotermesmedioobscurus và Cryptotermes domesticus (đều chỉ chiếm 2,4%). Điều đặc biệt là chưa tìm thấy loài mối nào thuộc nhóm mối có vườn cấy nấm (Macrotermitinae) ở khu vực nghiên cứu; các loài tìm thấy phần lớn là các loài có khả năng làm tổ trong gỗ, trên cây hoặc tổ là các ụ nhỏ, cứng dưới gốc cây. Theo nhận định của chúng tôi, do phù hợp với điều kiện sinh cảnh ở khu vực nghiên cứu nên hai nhóm mối Nasutitermitinae, Amitermitinae được phát hiện nhiều nhất và ngược lại chưa thấy nhóm mối Macrotermitinae ở khu vực này. Đây là dẫn liệu đầu tiên về mối ở Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau nên cần có nghiên cứu tiếp theo để làm rõ các vấn đề còn quan tâm. 

Một số hình ảnh 

Rừng tràm trong vườn quốc gia U Minh Hạ 

Rừng ngập mặn ở vườn quốc gia Mũi Cà Mau 

Tổ mối loài Nasutitermes mantagensiformistrên cây

Tổ mối loài Microcerotermes burmanicus dưới gốc cây

 

Người viết: ThS. Nguyễn Thị My
Phòng thí nghiệm Sinh hóa và Diệt trừ mối

Bài viết khác

Tin mới nhất