TextBody
, 18/05/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Nghiên cứu thành phần loài và đặc trưng phân bố của kiến (Hymenoptera: Formicidae) tại Thạch Thất, Hà Nội

24/09/2020

(WIP) - Kiến (Formicidae) là nhóm côn trùng xã hội có sự phân công lao động sâu sắc và có tập tính phức tạp. Chúng có vai trò chức năng quan trọng trong các hệ sinh thái, vừa là những động vật ăn thịt, thiên địch của nhiều loài sâu hại, vừa là con mồi cho các loài chim, thú, lưỡng cư và bò sát; bên cạnh đó, chúng còn là sinh vật phân giải các xác hữu cơ làm giàu cho đất cũng như tham gia xáo trộn làm tơi xốp đất. Để hiểu biết hơn về nhóm côn trùng này cũng như góp phần bổ sung dữ liệu về đa dạng sinh học của kiến, làm cơ sở để bảo tồn, phòng trừ và sử dụng kiến, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình tiến hành đề tài “Nghiên cứu thành phần loài và đặc trưng phân bố của kiến (Hymenoptera: Formicidae) tại Thạch Thất, Hà Nội”.

Đặc điểm hình thái ngoài của Meranoplus bicolor (Guérin-Méneville, 1844)

Bẫy hố được đặt tại thực địa (sinh cảnh Cây bụi, trảng cỏ)

Thu thập kiến ngoài thực địa (sinh cảnh Rừng trồng)

Chúng tôi đã tiến hành điều tra, thu mẫu từ các phương pháp thu mẫu bằng bẫy và thu mẫu trực quan tại 18 điểm thuộc 7 xã của huyện Thạch Thất theo 6 kiểu sinh cảnh khác nhau: Rừng trồng (RT), cây bụi, trảng cỏ (CBTC), cây ăn quả (CAQ), cây nông nghiệp dài ngày (CNNDN), cây nông nghiệp ngắn ngày (CNNNN) và khu dân cư (KDC). Kết quả phân tích 31.210 cá thể kiến đã xác định được 83 loài kiến, thuộc 41 giống và 6 phân họ, trong đó có 64 loài đã xác định được tên khoa học. Trong số các phân họ thu được, ba phân họ chiếm ưu thế là Myrmicinae (13 giống, 33 loài), Ponerinae (12 giống, 19 loài) và Formicinae (7 giống, 19 loài). Phân tích đặc trưng phân bố của kiến theo sinh cảnh thấy rằng: RT có thành phần loài đa dạng nhất (58 loài, chỉ số đa dạng Shannon-Weiner H’=2,35), tiếp theo là CBTC (47 loài, H’=2,30), các sinh cảnh tiếp theo được xếp theo số thứ tự giảm dần là sinh cảnh CAQ (41 loài, H’=2,20), CNNDN (33 loài, H’=2,14), KDC (31 loài, H’=2,10) và cuối cùng là CNNNN (16 loài, H’=1,48); 9 loài kiến (10,84%) có mặt ở đầy đủ 6 sinh cảnh, 13 loài (15,66%) có mặt ở 5 sinh cảnh và đặc biệt có tới 35 loài (42,17%) chỉ có mặt ở 1 sinh cảnh. Nghiên cứu cũng phân tích độ phong phú và độ thường gặp của kiến tại các sinh cảnh, trong đó xác định Tapinoma melanocephalum là loài thường gặp và chiếm ưu thế tại khu vực nghiên cứu, 6 loài khác là các loài chiếm ưu thế tại các sinh cảnh cụ thể: Pheidole parva (CNNNN, CAQ), Monomorium pharaonis (RT), Anoplolepis gracilipes (RT, CBTC), Camponotus rufoglaucus (RT, CBTC), Odontoponera denticulata (RT, CAQ) và Carebara diversa (CAQ).

Dụng cụ phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm

Nghiên cứu này đã ghi nhận mới 15 loài kiến cho khu hệ kiến của Việt Nam, đồng thời bổ sung 29 loài cho thành phần loài kiến ở Hà Nội. Đây cũng là dẫn liệu bước đầu để tiếp tục nghiên cứu sử dụng kiến làm chỉ thị cho biến đổi môi trường, cũng như dẫn liệu để xác định các loài kiến gây hại, từ đó nghiên cứu các biện pháp phòng trừ hiệu quả./.

Người viết: Vũ Xuân Trường
Phòng thí nghiệm Sinh hóa và Diệt trừ mối

Tin mới nhất