TextBody
, 18/05/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước – xứ mệnh phục vụ phát triển đất nước

22/07/2022

Nước là sự sống, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, nhưng hữu hạn và dễ bị tổn thương. Ước tính tổng lượng nước trên thế giới đạt khoảng 1,39 tỷ km3, bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất, nhưng chỉ có 3% là nước ngọt, trong đó 2/3 tồn tại dưới dạng băng ở hai cực, không thể sử dụng. Nước phân bố không đều theo không gian và thời gian, các quốc gia nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới thuộc vùng Đông Nam Á có lượng mưa trung bình năm khá lớn, trong khi những quốc gia thuộc khu vực Tây Á, Châu Phi lại có lượng mưa năm rất ít, ngay trong nội tại của mỗi quốc gia lượng mưa cũng không đồng đều dẫn đến thừa nước gây ra lũ, lụt, ít nước gây ra hạn hán, xa mạc hóa, xâm nhập mặn, gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến phát triển bền vững kinh tế-xã hội, suy thoái hệ sinh thái nước.

Bảo đảm an toàn hệ thống đập, hồ chứa nước không chỉ giúp chủ động được nguồn nước tại chỗ, điều hòa nguồn nước tự nhiên, phòng, chống lũ, lụt, mà còn ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro, thảm họa từ sự cố của công trình đập. Sự cố đập, hồ chứa nước lớn bị vỡ trên thế giới đã cho thấy những thiệt hại thảm khốc về người và cơ sở vật chất. Ngoài thiệt hại lớn nhất không thể bù đắp là hàng trăm đến hàng ngàn người và thậm chí là hàng chục ngàn người chết và mất tích, kèm với đó là thiệt hại vô cùng lớn về tài sản, môi trường, làm thay đổi cả hệ sinh thái trong khu vực. Trong quá khứ, sự cố vỡ Đập Banqiao tại Trung Quốc năm 1975 đã làm thiệt mạng hơn 80.000 người, gián tiếp làm 200.000 người khác chết do dịch bệnh và thiếu lương thực; sự cố vỡ đập Bản Kiều tỉnh Hà Nam, Trung Quốc năm 1975 khiến 175.000 người thiệt mạng và hơn 11 triệu người khác mất nhà cửa; vỡ đập Machchu trên sông Machchu, Morbi, Ấn Độ năm 1979 thiệt hại rất lớn về cơ sở hạ tầng và số người thiệt mạng lên đến 25.000 người. Theo thống kê từ đầu năm 2000 đến năm 2009, trên toàn thế giới có khoảng 200 sự cố đập nghiêm trọng xảy ra, các thảm họa đáng tiếc do vỡ đập. Ngày 23/7/2018, đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy nằm ở đông nam tỉnh Attapeu (Lào) bị vỡ sau một trận mưa lớn, xả ra một lượng nước lớn xuống hạ du, gây lũ lụt khiến nhiều người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích, hơn 6.600 người mất nhà cửa, hàng trăm ngôi nhà bị ngập, đường sá và cầu bị cuốn trôi. Sự cố vỡ đập hồ chứa Chamoli, Uttarkhand, Ấn Độ ngày 2/7/2021 đã phá hủy công trình thủy điện, 145 người mất tích. Tác động của mưa lớn ở thượng nguồn đã làm hai đập với tổng lượng nước trữ 46 triệu m3 nước ở thành phố Hô Luân Bối Nhĩ tại khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc bị vỡ chiều ngày 18/7/2021, theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, 16.660 người dân sống ở hạ lưu hai đập đã được sơ tán, 21.800 ha đất nông nghiệp vị ngập, nhiều công trình hạ tầng bị phá hủy do nước lũ

An ninh nước hay an ninh nguồn nước

Thông lệ quốc tế thường sử dụng cụm từ “an ninh nước”, với đặc điểm ngôn ngữ của Việt Nam cụm từ này có thể dẫn đến hiểu lầm thành “an ninh đất nước”, “an ninh tổ quốc”. Quy định pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa về khái niệm “an ninh nước“ hoặc “an ninh nguồn nước“. Tuy nhiên, tại Luật Tài nguyên nước có giải thích từ ngữ nguồn nước là “các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác” kết hợp với nội hàm về bảo đảm an ninh nước như phân tích ở trên có thể thấy rằng sử dụng cụm từ “an ninh nguồn nước“ phản ánh bản chất và đặc thù nước ta, trong đó tại Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Chính trị đã nêu rõ các trụ cột để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, là: Đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống, cấp đủ nước theo các mức đảm bảo cho sản xuất, các ngành kinh tế thiết yếu; Giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, đặc biệt đối với khu vực dân cư nghèo, vùng sâu, vùng xa; Bảo vệ chất lượng nguồn nước, hệ sinh thái nước; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thuỷ; Công bằng trong tiếp cận nguồn nước; mọi người dân, mọi đối tượng sử dụng nước được tiếp cận và sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất với chi phí hợp lý.

 Thực trạng an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước tại Việt Nam hiện nay

Do đặc thù điều kiện tự nhiên, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, trải dài theo vĩ độ, với hơn 2/3 chu vi tiếp giáp với biển và nằm ở hạ nguồn các lưu vực sông lớn quốc tế nên Việt Nam có nguồn tài nguyên nước dồi dào, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nhưng nguồn nước phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian, chịu tác động lớn từ biển kèm theo nhiều hình thái thời tiết cực đoan, từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân, trong thời gian qua việc bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đã có những kết quả nhất định, bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại và thách thức cần giải quyết, cụ thể:

- Cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ cấu tổ chức bộ máy ngành nước cũng dần được hoàn thiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Về quản lý nhà nước, ở trung ương có các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trước năm 1996 có Bộ Thủy lợi), Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương; ở địa phương có các Sở chuyên ngành với cơ quan tham mưu, như: Chi cục Thủy lợi, Chi cục đê điều tại các tỉnh, Chi cục quản lý tài nguyên nước vùng, Chi cục bảo vệ môi trường… Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về nguồn nước do Chính phủ thống nhất quản lý và phân giao cho Bộ, ngành, trong đó chủ yếu gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước; cấp phép khai thác và xả nước thải vào nguồn nước; quan trắc thủy văn, dự báo và cảnh báo thời tiết và thiên tai như bão, lũ; phòng chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý về thủy lợi, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng;  vận hành và đảm bảo an toàn hồ, đập; điều hòa, điều tiết hệ thống nguồn nước; cấp nước sinh hoạt nông thôn; phát triển và bảo vệ nguồn sinh thủy, Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ quản lý chung về cơ sở hạ tầng, cấp nước đô thị, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về quản lý hồ chứa thủy điện, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng nước cấp cho sinh hoạt. Ngoài ra, các Bộ Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư thực hiện chức năng tham mưu giúp Chính phủ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính cho ngành nước nói chung.

- Đảng và Nhà nước rất quan tâm bảo đảm mọi người dân được tiếp cận và sử dụng nước sạch với chi phí hợp lý, thể hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai từ năm 2000 đến 2016, tiếp nối là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi và một số Chương trình ODA cho nước sạch đô thị và nông thôn. Đến nay, cả nước đã đầu tư và đưa vào vận hành khoảng 4.500 hệ thống cấp nước tập trung lớn, nhỏ cho cả đô thị và nông thôn với tổng công suất cấp nước thiết kế đạt khoảng 10,9 triệu m3/ngày, khai thác thực tế khoảng 8,3 triệu m3/ngày, trong đó khai thác nước mặt chiếm khoảng 87%, nước ngầm khoảng 13% đảm bảo cấp nước sạch cho 89% dân số đô thị, tăng 13% so với năm 2010; 88,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 27,6% so với năm 2000, góp phần thay đổi căn bản hành vi, thói quen, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân

Để giải quyết cân đối nguồn nước phân bố không đều theo vùng, theo mùa, hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện, cấp thoát nước đô thị, hạ tầng giao thông đường thủy đã được quan tâm đầu tư góp phần tích trữ, điều hòa nguồn nước giữa các lưu vực, trong lưu vực, giữa các vùng và trong nội tại mỗi vùng, khai thác tối đa mặt lợi của nước và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do nước gây ra. Đến nay, toàn quốc đã có trên 7808 đập, trong đó có 466 hồ thủy điện; 900 hệ thống thuỷ lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên; trong đó, có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ trên 2.000 ha; hơn 40.270km đê sông, đê biển các loại; một số dự án thuỷ điện phát điện, chuyển nước góp phần điều hòa nguồn nước giữa các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ. Hệ thống cơ sở hạ tầng ngành nước hiện có đã đảm bảo cấp nước ổn định cho 7,3 triệu ha đất gieo trồng lúa (đạt 96% diện tích gieo trồng lúa), 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp khoảng 6,5 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, ngăn mặn cho 0,87 triệu ha, cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha, tiêu cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp, bảo đảm tiêu thoát nước, chống ngập cho các đô thị; cấp nước cho 951 khu công nghiệp với tổng lưu lượng khai thác khoảng 6,2 triệu m3/ngày; đảm bảo duy trì vận tải thủy nội địa cho 17.253km sông, kênh chiếm 41,2% chiều dài các sông đang được quản lý khai thác với khoảng 300 cảng bao gồm 218 cảng hàng hóa, 12 cảng hành khách và 63 cảng chuyên dùng; tổng công suất lắp máy phát điện đạt 22.022MW. Nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện góp phần quan trọng vào việc: phát điện, cắt, giảm, làm chậm lũ cho hạ du, cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, góp phần bảo đảm ANNN, an ninh năng lượng. Điển hình, các hồ chứa Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang hằng năm bổ sung xả nước từ 2-3 đợt trong khoảng thời gian từ 15-18 ngày, với trên 5 tỷ m3 nước xả về hạ du sông Hồng - Thái Bình phục vụ gieo cấy cho khoảng 530.000 ha lúa Đông Xuân. Trong mùa khô ở khu vực Bắc Trung Bộ, các hồ chứa thủy điện cung cấp trung bình khoảng 5,5-7,0 tỷ m3/năm để hỗ trợ tạo nguồn cho các hệ thống thủy lợi cấp nước cho khoảng 157.500 ha đất canh tác nông nghiệp; các hồ chứa ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cung cấp khoảng 3-3,5 tỷ m3/năm hỗ trợ tạo nguồn cho khoảng 130.000 ha. Trong mùa mưa, lũ, các hồ chứa nước còn điều tiết, giảm, cắt giảm lũ cho hạ du. Tổng dung tích phòng lũ, cắt giảm lũ cho hạ du của hệ thống liên hồ chứa theo quy định tại 11 quy trình vận hành vào khoảng 14,6 tỷ m3, bằng khoảng 27% tổng dung tích hữu ích của các hồ (có lưu vực tỷ lệ này 45%, 68%). Năng lực phòng, chống giảm thiểu các tác hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, lụt và các loại hình thiên tai khác do nước gây ra đã được nâng cao, chuyển dần từ bước thụ động, cứu trợ sau thiên tai, sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tổn thất.

Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị

Nhận định vai trò, tầm quan trọng của bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đối với phát triển đất nước, căn cứ đề xuất, báo cáo của Quốc hội, Chính phủ, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và ý kiến của các cơ quan có liên quan, ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị đã có kết luận về Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Kết luận số 36-KL/TW) đặt ra mục tiêu cho các giai đoạn nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hoà nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Nhằm đạt được các mục tiêu cho các giai đoạn phát triển, Kết luận 26-KL/TW đưa ra 09 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu,về: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thuỷ lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước. Đồng thời Bộ Chính trị chỉ đạo tỉnh uỷ, thành uỷ, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện Kết luận; cụ thể hoá các nội dung về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

GS. TS. Nguyễn Văn Tỉnh

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi