Hệ thống rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, nếu được bảo tồn và sử dụng hợp lý, sẽ tạo ra nhiều cơ hội cải thiện và nâng cao sinh kế cho bà con, đồng thời đóng góp tích cực vào ngăn ngừa và chống chịu biến đổi khí hậu.
Tại huyện Ngọc Hiển – cực nam của Tổ quốc, bên cạnh mô hình nuôi tôm truyền thống, từ cách đây hàng chục năm, bà con nông dân trong lúc tìm cách mở rộng diện tích nuôi trồng, đã khám phá ra mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn. Tại huyện Năm Căn lân cận, hoạt động nuôi tôm dưới tán rừng cũng tương đối phát triển.
Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 80 nghìn héc ta diện tích nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, trong đó hơn 20 nghìn héc ta được công nhận đạt đủ tiêu chuẩn tôm sinh thái và 7 nghìn héc ta được chứng nhận tôm hữu cơ theo chuẩn quốc tế.
Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng có lợi thế là không tiêu tốn thức ăn, ít phải chăm bẵm, không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, mưa mùa, thành phẩm lại có chất lượng cao, sạch và tươi ngon không kém gì tôm nuôi trong tự nhiên. Vì vậy, mô hình này đang được tỉnh Cà Mau chú trọng nhân rộng.
Cơ cấu giá trị rừng ngập mặn mang lại cho Đồng bằng sông Cửu Long
Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, việc nuôi tôm dưới tán rừng còn ngăn chặn được hiện tượng người dân phá rừng ngập mặn để mở rộng diện tích nuôi tôm. Một minh chứng rõ nét cho thấy, không cần thiết phải đánh đổi tự nhiên để tạo ra sinh kế. Thực tế, trong trường hợp này, việc phá hủy rừng ngập mặn cũng gây tổn hại tới sinh kế khi một phần không nhỏ diện tích nuôi tôm không cho năng suất cao bởi không có sự che chắn của rừng.
Theo TS. Nguyễn Thành Nho, chuyên gia đến từ trường Đại học Nguyễn Tất Thành, rừng ngập mặn, một trong những hệ sinh thái mang tính đặc trưng của miền Tây, đem đến nhiều giá trị kinh tế, không chỉ mô hình nuôi tôm dưới tán rừng mà còn duy trì nguồn lợi thủy sản nhờ cung cấp bãi đẻ cho các loài cá, cung cấp gỗ, tạo cảnh quan du lịch…
Một tác dụng đặc biệt quan trọng của rừng ngập mặn liên quan đến sinh kế của đồng bảo miền Tây là khả năng “giữ đất”, chống xói lở và là bức tường thành tự nhiên chắn sóng biển.
Tác dụng của rừng ngập mặn đối với miền Tây
Bên cạnh vai trò kinh tế, rừng ngập mặn còn tạo ra giá trị to lớn về môi trường. Theo ông Nho, rừng ngập mặn có khả năng lưu giữ nhiều chất gây ô nhiễm, từ khí thải carbon, metan trong bầu khí quyền cho đến lưu giữ và chuyển hóa các kim loại nặng nhiễm trong nước.
Trong nhiều trường hợp, rừng ngập mặn như một tấm lọc ô nhiễm, giúp chất độc, chất gây ô nhiễm từ đất liền được giữ lại thay vì đổ ra biển hoặc đi vào chuỗi thức ăn của con người. Những chất gây ô nhiễm này lại được chuyển hóa trong đất, trở thành dinh dưỡng nuôi cây. Nói cách khác, rừng ngập mặn hoạt động như một mô hình kinh tế tuần hoàn của tự nhiên.
Tuy nhiên, ông Nho lưu ý, khả năng lưu giữ ô nhiễm của cây ngập mặn tỷ lệ thuận với diện tích. Nghiên cứu cho thấy, trữ lượng những chất kim loại được giữ trở lại trong đất ở vị trí có rừng cao hơn so với vị trí bãi bồi hay những cây ngập mặn mọc riêng lẻ.
Vừa có khả năng lưu trữ carbon, vừa đem lại sinh kế cho người dân, hệ sinh thái rừng ngập mặn miền Tây hội tụ đầy đủ yếu tố tiềm năng trở thành nguồn tín chỉ cacbon có giá trị cao. Với việc thí điểm sàn giao dịch carbon kể từ năm 2025, rừng ngập mặn miền Tây có thể tạo ra những giá trị lớn hơn nhiều so với hiện tại.
Như vậy, việc bảo tồn và phát triển hệ thống rừng ngập mặn là hướng đi quan trọng, phù hợp với quan điểm "thuận thiên" về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, do đó cần được chú trọng hơn nữa trong giai đoạn tới.
Nguồn: The Leader
Tin mới nhất