TextBody
, 21/12/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỆN SINH THÁI VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH

GIAI ĐOẠN 2015-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ 

Căn cứ vào quyết định số 1590/QĐ-TTG ngàu 09/10/2019 của Thủ tướng chính phủ Phê duyệt định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam ;

Căn cứ vào quyết định 2257/QĐ-BNN-KHCN ngày 03/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt chiến lược phát triển Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020 và định hướng đến 2030;

Căn cứ vào công văn số 4143/BNN-KHCN ngày 27/5/2015 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc xây dựng và phê duyệt Chiến lược phát triển các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam;

Xét đền nghị cua Viện sinh tháo và Bảo vệ công trình tại Tờ trình số 176/TTR-VST ngày 13/7/2015 của Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến 2030;

 II. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình (sau đây gọi tắt là Viện) theo hướng toàn diện, phù hợp với Chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đáp ứng yêu cầu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi,  trên cơ sở chiến lược phát triển của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và các chủ trương, chính sách có liên quan của Đảng, nhà nước. Xây dựng Viện thành một tổ chức khoa học và công nghệ  hoạt động tự chủ theo mô hình đồng bộ: Nghiên cứu - Sản xuất thử nghiệm - Chuyển giao - Kinh doanh và dịch vụ. Duy trì, phát huy uy tín và thế mạnh về công nghệ để cạnh tranh trên thị trường trong nước;

2. Xác định đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư chiều sâu cho sự phát triển bền vững của Viện. Mỗi đơn vị trong Viện phải phát triển theo hướng chuyên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và phát triển công nghệ theo lĩnh vực được giao và phải có công nghệ mũi nhọn đủ sức cạnh tranh trên thị trường;

3. Lấy chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học và hiệu quả chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất theo đúng chức năng, nhiệm vụ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam giao là tiêu chí cơ bản đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Viện; từng bước tham gia vào thị trường khoa học công nghệ khu vực và thế giới, phấn đấu nguồn thu nhập chính của cán bộ khoa học là từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;

4. Phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên nghiệp có năng lực làm lực lượng nòng cốt. Chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ trẻ, sẵn sàng giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ có năng lực để đáp ứng sự phát triển của Viện;

5. Coi hợp tác trong nước và hợp tác quốc tế là cơ hội để đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ;

6. Tranh thủ và tận dụng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là đầu tư về thiết bị nghiên cứu và thiết bị sản xuất nhằm đảm bảo Viện là đơn vị số 1 trong nước về tiềm lực thiết bị chuyên ngành của Viện.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Xây dựng Viện phát triển toàn diện và vững mạnh. Đến năm 2020, trở thành Viện đầu ngành trong nước về các giải pháp sinh thái học bảo vệ công trình bền vững và hiệu quả; đến năm 2030 trở thành đơn vị có uy tín ở khu vực về các lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành chính của Viện.

b) Giữ vững vị trí dẫn đầu về công nghệ tường mềm giảm sóng, giảm dòng chảy, gây bồi, ổn định bãi để trồng cây ngập mặn chắn sóng; công nghệ mềm ổn định cồn cát, giồng cát tạo đê biển tự nhiên; xây dựng hệ sinh thái bền vững cho các hồ chứa và các lưu vực; ứng dụng công nghệ địa vật lý khảo sát, phát hiện ẩn họa cho đê đập; công nghệ phòng trừ mối, kiến, gián; công nghệ sản xuất các loại bả sinh học diệt trừ một số loài côn trùng gây hại. 

2. Mục tiêu cụ thể

a) Xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy và hoạt động của Viện đáp ứng yêu cầu Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

b) Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong đó, tập trung phát triển các hướng nghiên cứu chủ yếu của Viện như sau:

  - Từ nay đến năm 2020, tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề về: công nghệ tường mềm giảm sóng, gây bồi ổn định bãi để trồng cây ngập mặn chắn sóng; công nghệ mềm ổn định cồn cát, giồng cát tạo đê biển tự nhiên; công nghệ khảo sát, phát hiện ẩn họa cho đê đập; công nghệ phòng trừ mối, kiến, gián; công nghệ sản xuất các loại bả sinh học diệt trừ các loài mối, kiến gián gây hại. Đảm bảo ít nhất 65% đề tài có kết quả nghiên cứu được áp dụng và chuyển giao vào thực tế và 15%  đề tài có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Phấn đấu tạo ra 08 -10 công nghệ, sản phẩm mới ứng dụng vào sản xuất;

- Giai đoạn 2021-2030, tập trung nghiên cứu giải quyết vấn đề về  xây dựng hệ sinh thái bền vững cho các hồ chứa, các lưu vực, vùng triều, dải đất ven biển và kiểm soát tổng hợp (IPM) một số loài côn trùng gây hại ở các khu vực đô thị. Đảm bảo 65-75% đề tài có kết quả nghiên cứu được áp dụng và chuyển giao vào thực tế và 15%  đề tài có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế.  Phấn đấu tạo ra 10-12 công nghệ, sản phẩm mới ứng dụng vào sản xuất;

c) Căn cứ chỉ tiêu đào tạo trong chiến lược phát triển Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện phấn đấu đào tạo đội ngũ cán bộ đạt mục tiêu như sau:

 - Giai đoạn 2015-2020, Viện có 2 PGS, 5 tiến sĩ, 23 thạc sĩ và 80% cán bộ quản lý, cán bộ khoa học dưới 45 tuổi đáp ứng được yêu cầu ngoại ngữ theo đề án đào tạo ngoại ngữ của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế mở được mã ngành đào tạo tiến sĩ ngành Sinh thái học bảo vệ công trình tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam;

 - Giai đoạn 2021-2030, Viện có 3-4 PGS, mỗi đơn vị chuyên môn có ít nhất 01 tiến sĩ chuyên ngành và 2-3 thạc sĩ, đáp ứng theo chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam;

d) Duy trì tốc độ tăng trưởng về doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ và triển khai hợp đồng ứng dụng trung bình khoảng 10-12%/năm. Đảm bảo mức thu nhập trung bình hàng tháng cho mỗi cán bộ viên chức từ 1,5 - 2,0 lần mức lương cơ bản;

e) Hoàn thành dự án nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc và thí nghiệm của Viện có kiến trúc đẹp và khang trang, đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển của Viện;

g) Huy động tổng hợp các nguồn vốn, đảm bảo mỗi năm đầu tư khoảng 500 triệu đồng mua sắm, sửa chữa nâng cấp trang thiết bị;

h) Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn triển khai chiến lược phát triển, trung bình 3 năm Viện có 01 dự án hợp tác quốc tế được thực hiện..

IV. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tổ chức và hoạt động bộ máy

a) Từng bước hoàn chỉnh bộ máy, tổ chức của Viện và các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn và hoạt động hiệu quả;

b) Tổ chức hợp lý các bộ phận nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu; sắp xếp lại các phòng nghiệp vụ, chuyên môn tạo sự gắn kết chung trong toàn Viện và thống nhất theo hệ thống chung của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam;

2. Xây dựng tiềm lực cán bộ

a) Xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh trong Quy chế quản lý viên chức và người lao động của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình;

b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao của Viện theo hướng đồng bộ, cân đối về cơ cấu trên từng lĩnh vực, chuyên ngành và phù hợp với sự phát triển của các đơn vị chuyên môn trong Viện;

c) Hoàn chỉnh quy chế quản lý cán bộ, viên chức nhằm tạo động lực để mọi người phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực và đáp ứng vị trí việc làm và  yêu cầu của công việc. Thu hút được các nhà khoa học giỏi, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực sinh thái và bảo vệ công trình làm việc cho Viện bằng cơ chế ưu đãi;

d) Chú trọng nhiệm vụ hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao trình độ cán bộ. Lập kế hoạch dài hạn về đào tạo cán bộ chuyên môn tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài;

e) Hình thành một số nhóm nghiên cứu mạnh ở một số lĩnh vực mũi nhọn với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước;

g) Củng cố, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, hành chính, dịch vụ… đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của Viện trong từng giai đoạn phát triển.

3. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

a) Nghiên cứu các giải pháp sinh thái bảo vệ đê, bờ biển, bờ sông, cồn cát

- Điều tra đặc điểm các vùng bãi triều và cồn cát, làm cơ sở quy hoạch hệ thống đai cây chắn sóng, đai cây chắn gió, chống cát bay, cát nhảy vùng ven biển;

- Nghiên cứu công nghệ tường mềm giảm sóng, gây bồi ổn định bãi tại các bãi triều có sóng lớn, cao độ bãi thấp, nền bãi không ổn định, nghèo dinh dưỡng để trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển, bờ biển;

- Nghiên cứu công nghệ tạo cơ mềm trên các cồn cát, giồng cát ven biển để trồng cây nhằm chắn gió, chống cát bay, cát chảy ổn định cồn cát, giồng cát, bảo vệ bờ biển và dải đất ven biển;

 - Nghiên cứu  các giải pháp công trình mềm kết hợp giải pháp trồng cây bán ngập nước, chống sạt lở, bảo vệ đê sông, bờ sông, kênh, rạch;

- Nghiên cứu các giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững vùng bãi triều có đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê biển, bờ biển;

- Nghiên cứu  chế phẩm sinh hóa bảo vệ thiết bị và công trình ngập mặn.

b) Nghiên cứu các giải pháp sinh thái bảo vệ và nâng cao hiệu quả hồ chứa

- Nghiên cứu công nghệ tạo cơ mềm để trồng cây xung quanh hồ chứa, hạn chế xói lở, nâng cao tuổi thọ , tạo lập hệ sinh thái bền vững cho hồ chứa;

- Nghiên cứu bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái bền vững trong lưu vực của hồ chứa, góp phần cân bằng nguồn nước cho lưu vực;

  - Nghiên cứu giải pháp sinh thái học xử lý ô nhiễm nguồn nước cho hồ chứa và phục hồi môi trường hồ chứa;

- Nghiên cứu cải tạo môi trường và phục hồi các hệ sinh thái hồ chứa thủy lợi để nuôi trồng một số loài thủy sản loài quý hiếm, góp phần tham gia chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý kị khí cho các hồ chứa thủy lợi có độ sâu lớn.

c) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ địa vật lý phát hiện ẩn họa cho đê, đập

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ ảnh điện 2D, 3D và thiết bị Super Sting phát hiện bất thường về điện trở suất trong thân đê, đập, làm cơ sở cho việc xác định đường bão hòa, vùng thấm và dò rỉ trong đê, đập;

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ rađa đất phát hiện khoang rỗng, khe nứt và thoát không trong thân đê, đập;

- Nghiên cứu công nghệ ảnh điện 2D, 3D và thiết bị Super Sting phát hiện phân tầng điện trở suất trong nền đê, góp phần đánh giá và dự báo mức độ an toàn của đê;

- Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ ra đa đất kết hợp phương pháp điều tra sinh học để phát hiện tổ mối trong thân đê, đập;

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ ra đa đất phát hiện ẩn vật trong các di tích Lịch sử - Văn hóa.

d)Nghiên cứu phòng trừ mối, kiến và gián

- Nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái học của nhóm côn trùng xã hội (mối, kiến và gián), làm cơ sở xây dựng giải pháp phòng trừ chúng;

- Nghiên cứu công nghệ phòng trừ mối cho đê, đập góp phần đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi;

- Nghiên cứu công nghệ phòng trừ mối, kiến và gián cho công trình khác đảm bảo hiệu quả, thân thiện với môi trường;

- Nghiên cứu xây dựng giải pháp IPM trong phòng trừ mối, kiến, gián cho các khu vực có quy mô lớn về diện tích nhằm nâng cao hiệu quả phòng trừ;

- Xây dựng phòng mẫu về côn trùng xã hội đặc trưng của Việt Nam.

  đ) Nghiên cứu thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc phòng trừ các loài gây hại thuộc nhóm côn trùng xã hội và côn trùng đô thị

- Nghiên cứu hoàn thiện các loại bả trừ mối, kiến, gián;

- Nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm các loại thuốc, chế phẩm để phòng trừ mối, kiến, gián và một số côn trùng đô thị theo hướng quản lý tổng hợp(IPM);

- Khảo nghiệm thuốc phòng trừ mối, kiến, gián;

- Nghiên cứu xây dựng quy trình khảo nghiệm thuốc mối, kiến, gián;

- Xây dựng phòng thí nghiệm khảo nghiệm thuốc phòng trừ mối, kiến, gián và một số côn trùng đô thị gây hại khác.

4. Đào tạo sau đại học và cung cấp các dịch vụ đào tạo

a) Viện quy hoạch đội ngũ nhân sự đảm bảo cán bộ nghiên cứu có trình độ thạc sĩ sau tối đa 5 năm làm công tác nghiên cứu tại Viện; mỗi hướng nghiên cứu chuyên sâu có ít nhất 1 tiến sĩ chuyên ngành; phấn đấu đến năm 2020 Viện có 1-2 tiến sĩ và đến năm 2030 có thêm 4 - 5 tiến sĩ  được đào tạo từ các nước tiên tiến về làm công tác nghiên cứu tại Viện; giai đoạn 2021-2030 Viện có thêm 2 - 3 phó giáo sư.

b) Đến năm 2020 có 80% cán bộ nghiên cứu và quản lý của Viện đạt tiêu chuẩn ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam;

c) Phối hợp với Trung tâm Đào tạo và hợp tác quốc tế mở được mã ngành đào tạo Sinh thái học bảo vệ công trình tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

d) Bố trí cán bộ tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo cho các tổ chức cá nhân về các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của Viện.