TextBody
, 22/12/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Báo động sạt lở miền Tây

03/07/2018

(WIP) - Hàng ngàn gia đình sống cảnh ăn nhờ, ở đậu vì sạt lở; hàng chục ngàn hộ khác nơm nớp nỗi lo đất đai nhà cửa có thể bị cuốn trôi. Sạt lở đang xảy ra khắp ĐBSCL.

Sạt lở ở Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ hồi tháng 5 khiến 39 căn nhà của 35 hộ dân bị cuốn trôi và buộc phải di dời

Ngồi ở mỏm đất còn trơ lại sau vụ sạt lở hồi tháng 5, bà Trần Thị Thu Trang (52 tuổi, ngụ khu vực Thới Lợi, P.Thới An, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) kể: “Chỗ tôi ngồi đây hơn 2 tháng trước còn là đường sá, xe cộ tấp nập, tôi sống bằng nghề bán bún ngay chỗ này. Vậy mà giờ cả dãy nhà và con đường đã chìm nghỉm dưới sông”.

Thấp thỏm ven sông

Căn nhà của vợ chồng bà Trang bị cuốn trôi đầu tiên trong vụ sạt lở sông Ô Môn hôm 7.5. Sau đó, 39 căn nhà khác bị sạt và bị tháo dỡ, di dời khẩn cấp đi nơi khác, con đường giao thông nông thôn chạy qua bị cắt đứt hoàn toàn. “Vợ chồng tôi phải ở tạm nhà đứa con nhưng căn nhà cũng sát mé sạt lở. Chắc không bao lâu nữa lại phải dời, lúc đó không biết ở đâu, phải sống ra sao”, bà Trang nói.

Trên thượng nguồn sông Hậu, sông Tiền thuộc 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, nỗi ám ảnh sạt lở cũng đang lan khắp xóm làng. Sông Ông Chưởng chảy qua H.Chợ Mới (An Giang) từ tháng 6 đã chuyển dòng hung hãn nhấn chìm 3 căn nhà ở xã Kiến Thành; nuốt chửng đoạn đường thuộc tỉnh lộ dài hơn 50 m ở xã Long Điền B. Xóm nhỏ ấp Kiến Hưng 1, xã Kiến Thành, vốn yên bình nhưng mới đây người dân đã phải nháo nhác dọn nhà chạy lở.

Phía tỉnh Đồng Tháp, trong vòng 1 tháng qua, sông Cần Lố chảy qua xã Nhị Mỹ (H.Cao Lãnh) cũng đã nhiều lần “nổi giận” nuốt chửng đất đai, nhà cửa của người dân. Ông Phạm Bá Thọ (65 tuổi) làm thầy giáo trên 40 năm bảo rằng ông sống gần sông từ thơ ấu cho đến lúc tóc bạc. Tiếng sóng vỗ, tiếng ghe tàu nổ máy xình xịch trên sông đã thành âm thanh quen thuộc nhưng nay những tiếng đó thành ám ảnh. “Đêm ngủ nghe sóng vỗ mạnh, tôi lại giật mình, tưởng đâu đất sập. Cứ thế mà đêm nào giấc ngủ cũng chập chờn”, ông Thọ nói.

Mưa bão “xén” dần nhà cửa, đất đai

Bà Nguyễn Thị Xuất (ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) kể, từ năm 1992, gia đình bà về Khánh Bình Tây mua đất vuông để nuôi tôm và cư trú. Khi đó, từ đất của bà Xuất ra tới mé biển còn cả cây số, phải đi qua 2 lớp rừng phòng hộ bên ngoài. Nhưng đến khoảng năm 2005, tình hình sạt lở ven biển bắt đầu nghiêm trọng, biển dần quét sạch rừng. “Mỗi mùa mưa bão là từng mảng đất rừng cùng với những cây mắm, cây đước bị sóng biển cuốn đi. Cả xóm này thấp thỏm không yên, nhà nào cũng cố bám trụ giữ đất. Sóng đánh sạt bờ vuông, lại ráng đắp, nhưng cuối cùng cũng chịu thua”, bà Xuất nói. Khi người dân chống chọi không nổi những con sóng ngày đêm tàn phá, bỏ hết vuông tôm cũng là lúc biển càng lấn vào nhanh hơn. Cả một vùng nuôi thủy sản ven biển rộng lớn trở nên tan hoang.

Theo văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tính từ ngày 18 - 23.5, trên địa bàn 2 huyện Đầm Dơi và Năm Căn đã xảy ra 13 vụ sạt lở ven sông, ven biển với chiều dài 326 m, làm thiệt hại 8 căn nhà, sụp 103 m lộ giao thông nông thôn. Sạt lở ở Cà Mau diễn ra cả ven Biển Đông và Biển Tây. Bình quân từ 20 - 25 m/năm ở bờ Biển Tây, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm, ở biển Đông bình quân từ 45 - 50 m. Tệ hơn là nhiều vạt rừng phòng hộ cũng đang bị tàn phá. Tính từ năm 2007 đến nay, khoảng 4.064 ha rừng phòng hộ đã bị sạt lở cuốn trôi ra biển.

Tương tự tại tỉnh Bạc Liêu, 2 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng là tuyến đê kè Gành Hào (TT.Gành Hào, H.Đông Hải), kè Nhà Mát (P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu) vẫn đang ngày đêm chống chịu sóng dữ. Hiện ở tỉnh này, tuyến sông Gành Hào và tuyến sông Bạc Liêu - Cà Mau cũng đang là “điểm nóng” về sạt lở, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Ngược lên phía cửa sông Cửu Long thuộc các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, sạt lở cũng đang xảy ra khắp nơi. “Đêm hôm trước thấy sóng to, gió lớn vợ chồng tôi chạy vào nhà người quen phía trong giồng ở tạm, đến sáng hôm sau trở ra thì toàn bộ căn nhà kiên cố vừa mới xây mấy tháng đã bị đánh sập, mất hết”, ông Huỳnh Văn Ngoạt, ngụ ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, H.Ba Tri (Bến Tre) kể về sự cố sạt lở vào đầu năm 2018. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Ba huyện ven biển của tỉnh đều xảy ra tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng với chiều dài 19 km”.

Còn tại Trà Vinh, nhất là các xã ven biển của TX.Duyên Hải, sóng biển cũng tàn phá những giồng đất, lấn vào ruộng hoa màu của người dân. Từ Vàm Láng Nước, thuộc xã Trường Long Hòa tới khu vực biển ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh, TX.Duyên Hải, cách cửa sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền) khoảng hơn 10 km, từng vạt rừng dương phòng hộ đã bị sóng biển xóa sổ. Có nơi, đất ở, vuông nuôi tôm của người dân trước đây giờ chỉ còn tàn tích là vài cây cột điện, hay biển báo rừng phòng hộ, trơ trọi ở mé biển.

Gần 800 km bờ biển, sông sạt lở

Chưa năm nào, sạt lở lại ở mức báo động như hiện tại, số liệu mới nhất của Bộ NN-PTNT cho biết, cả vùng ĐBSCL hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km. 42 vị trí sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 149 km cần phải xử lý cấp bách để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Chỉ tính sơ bộ 3 địa bàn Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau đã có khoảng 8.000 hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm cần di dời gấp.

Rừng phòng hộ ở xã Hiệp Thạnh, TX.Duyên Hải, Trà Vinh bị cuốn trôi chỉ còn tấm biển báo

Trước đó, Bộ NN-PTNT cũng từng đưa ra 10 nguyên nhân lớn dẫn đến sạt lở ở ĐBSCL bao gồm: sự mất cân bằng bùn cát là do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển đã làm giảm đáng kể lượng bùn cát; Tỷ lệ phân bố dòng chảy giữa các sông chính thời gian gần đây có diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các khu vực phân lưu, hợp lưu; Chặt phá rừng, khai thác tài nguyên vùng đầu nguồn; Địa chất khu vực sạt lở chủ yếu là thành phần sa bồi mềm yếu, kết cấu rời rạc, dễ bị xói trôi; Xây dựng nhiều nhà ở, nhà máy, đường giao thông sát mép hoặc lấn chiếm bờ sông làm tăng cao tải trọng lên bờ sông, thậm chí làm cản trở thay đổi chế độ dòng chảy...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia môi trường ở ĐBSCL khẳng định, nguyên nhân chính nhất của việc sạt lở ĐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Kông, tức là sự thiếu cát và phù sa do các đập thủy điện ở thượng nguồn chặn cát và phù sa. Cùng với đó, hoạt động khai thác cát trên sông Mê Kông lại diễn ra ở khắp các quốc gia trong lưu vực như Thái Lan, Lào, Campuchia, VN. Số liệu của Ủy hội Mê Kông quốc tế cho thấy, so sánh giữa 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Kông đã giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Nếu có thêm 11 đập dòng chính Mê Kông ở thượng nguồn thì tải lượng phù sa mịn sẽ chỉ còn 42 triệu tấn/năm. Tương tự 11 đập trên cũng sẽ khiến toàn bộ cát, sỏi không thể xuôi theo con nước về bồi lắng và kiến tạo cho ĐBSCL như hàng ngàn năm qua.

Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Kông, ĐBSCL đang rất cần một bản đồ về sạt lở theo từng cấp độ rủi ro để chủ động ứng phó. Cùng với đó là một chương trình cấp quốc gia cho ĐBSCL về tái định cư cho người dân đi kèm với chương trình an sinh, chứ không phải cứ khi sạt lở xảy ra mới hô hào cứu nạn, cứu hộ và di dời khẩn cấp đầy thụ động như hiện nay.

2.500 tỉ đồng cho ĐBSCL chống sạt lở

Thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2018 và 1.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Chính phủ cho các địa phương vùng ĐBSCL xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. Thủ tướng yêu cầu cần tập trung rà soát, chấn chỉnh việc khai thác cát trên sông, ven biển, kiên quyết không để tình trạng khai thác cát sỏi không quy hoạch, cấp phép quá mức, không để tàu thuyền vận hành với tốc độ cao gây sóng lớn dọc các sông, kinh rạch; tập trung trồng cây, trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển để giữ đất, bảo vệ đê điều; nghiên cứu xây dựng các công trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, kết hợp với việc lấn biển, phòng chống sạt lở, phát triển điện gió nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương ven biển. Không để xây dựng nhà cửa, công trình tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chủ động bố trí lại dân cư, tái định cư, quy hoạch lại sản xuất...

Theo: Đình Tuyển-Thanh Niên

Tin mới nhất