(WIP) - Sáng ngày 04/01/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự chỉ đạo Hội nghị.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 tăng 2,9%. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực của ngành trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp. Việc chuyển mạnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi là các yếu tố tạo nên thành công của ngành. Các địa phương đã chuyển gần 186.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại rau, màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.
Thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 13% so với năm 2016. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh như rau quả tăng trên 40%, cao su tăng trên 35%, tôm tăng 22%...Năm qua Bộ cũng triển khai chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu lên một số tồn tại của ngành như cơ cấu lại nông nghiệp chưa đạt kết quả đồng đều, có địa phương còn lúng túng và kết quả chưa rõ ràng. Năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân cải thiện chậm. Dù tình trạng biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra ngày càng nhiều, nhưng vẫn có địa phương chủ quan, thiếu quyết liệt trong công tác phòng, chống thiên tai nên thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành. Trong khi đó công nghiệp chế biến chậm phát triển; công tác nghiên cứu, dự báo thị trường còn bất cập nên xảy ra tình trạng cung vượt cầu đối với một số sản phẩm như thịt lợn, dưa hấu. Ngành còn gặp thách thức như việc EU rút “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, phá rừng, khai thác thủy sản trái phép vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích ngành NN&PTNT đã đạt được trong năm 2017 với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Việt Nam hiện đã có 10 mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu rau quả lần đầu tiên vượt xuất khẩu dầu thô. Công tác phòng chống cháy rừng có nhiều tiến bộ, hệ thống cảnh báo phòng chống thiên tai phát huy được tác dụng… Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều bất cập còn tồn tại trong ngành NN&PTNT như: Quá trình tái cơ cấu còn chưa mạnh, việc trồng trọt theo thói quen, sản xuất tiểu nông, đơn giản, nhỏ lẻ vẫn phổ biến ở nông thôn; Tình trạng vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn tồn tại, điển hình như việc EU rút “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam; năng suất lao động trong ngành NN&PTNT còn thấp; sản xuất nông nghiệp còn bị động, tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn là nỗi lo, tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản còn thấp; đời sống nông dân, ngư dân, diêm dân còn khó khăn; hạ tầng nông nghiệp còn nhiều bất cập; việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn chưa xứng với tiềm năng; một số tỉnh thành còn coi nhẹ chương trình nông nghiệp nông thôn, chưa tập trung bảo vệ rừng.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp tổ chức triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Chính phủ theo phương châm 10 chữ đề ra cho năm 2018 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Ngành Nông nghiệp cần quyết tâm xử lý các vấn đề còn tồn tại, đảm bảo quản lý tốt các yếu tố đầu vào, giúp nâng cao năng suất. Yếu tố đầu ra là thị trường phải được đặc biệt quan tâm. Bài học rút ra từ năm 2017 đó là sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương rất quan trọng. Thủ tướng đề nghị toàn ngành Nông nghiệp thực sự vào cuộc và hành động. Những giải pháp cụ thể cần thực hiện như: phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao hơn; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; nỗ lực thoát “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản trong năm 2018; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; các ngành dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất nông nghiệp cần được tổ chức lại; tăng cường ứng dụng Khoa học công nghệ vào sản xuất Nông nghiệp; chú trọng khâu chọn giống, thích ứng với khí hậu từng vùng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết chuỗi giá trị nông sản; chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức tốt nguồn hàng với chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm để giữ vững thị trường; các địa phương cần chủ động, sáng tạo, tìm lợi thế để phát triển…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành Nông nghiệp sẽ tiếp thu các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban ngành của Trung ương, các tỉnh, thành phố, các thành phần kinh tế, các Hợp tác xã và bà con nông dân triển khai bằng các giải pháp cụ thể, đặc biệt khắc phục những bất cập còn tồn tại của ngành Nông nghiệp hiện nay, thực hiện thành công các mục tiêu trong năm 2018 mà chính phủ đã giao cho ngành.
Nguồn: www.mard.gov.vn
Tin mới nhất