(WIP) - Sáng ngày 23/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo khoa học và công nghệ chuyên ngành lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai - Tiểu ban Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Hiện nay thiên tai đang ngày càng nghiêm trọng, thường xuyên hơn trên khắp toàn cầu. Việt Nam không ngoại lệ, liên tục trong những năm qua thiên tai xảy ra trên khắp cả nước đủ loại hình trên mọi thời gian trong năm, các loại thiên tai điển hình đó là bão, lũ ngập ở miền Bắc và miền Trung; xói lở bờ biển miền Trung; sạt lở, xói lở ở miền Nam; hạn, mặn diễn ra nhiều nơi… Thiên tai gây ra hậu quả nghiêm trọng cả nhân mạng, tài nguyên, đe dọa sự phát triển bền vững đất nước.
Trong những năm qua, Nhà nước đã chú trọng đến công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, cùng với các giải pháp công trình, việc nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai cũng đã được quan tâm.
Công tác khoa học công nghệ phòng chống thiên tai đã được thực hiện qua nhiều hoạt động như vừa nghiên cứu khoa học vừa triển khai các công nghệ. Trong nghiên cứu nhiều vấn đề đã được quan tâm như bão, lũ, sạt trượt, an toàn hồ chứa, hạn mặn....đã có nhiều nghiên cứu đã phát huy tác dụng tốt trong thực tế tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Do vậy, Hội thảo này được tổ chức nhằm nhìn lại hoạt động trong thời gian vừa qua và định hướng trong thời gian tới về công tác phòng chống thiên tai.
Tham dự Hội thảo có Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai; PGS.TS. Đinh Vũ Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và đại diện một số Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn một số tỉnh; các nhà chuyên gia, nhà khoa học của Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi…
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện; GS.TS. Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện và đại diện một số đơn vị trực thuộc Viện.
Đặc biệt Hội thảo còn có sự tham dự của Ông Nguyễn Cảnh Dinh - nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Ông Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Hội thảo do GS.TS. Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện - Trưởng Tiểu ban Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai chủ trì.
Hội thảo cũng đã được nghe 09 báo cáo của các nhà khoa học đến từ Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển, Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi trình bày về các vấn đề liên quan như ứng dụng viễn thám trong việc nâng cao độ chính xác mô phỏng ngập lụt lưu vực sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi; Một số giải pháp khôi phục và phát triển rừng ngập mặn bảo vệ đê biển, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phân mức sạt lở bờ biển các tỉnh ven biển miền Trung; Thực trạng, nguyên nhân và định hướng giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long…
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết trong 21 loại hình thiên tai thì Việt Nam đã có 20 loại hình thiên tai xảy ra và năm 2017 là năm kỷ lục về thiên tai bao gồm số lượng các cơn bão và thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt trong tám tháng đầu năm 2018, thiên tai xảy ra đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề và đến giờ Việt Nam vẫn đang phải ứng phó.
“Thiên tai bây giờ rất khó lường, khốc liệt, dị thường không chỉ riêng Việt Nam gánh chịu mà các nước trên toàn thế giới đều xảy ra và ngoài tầm dự báo của các cơ quan chuyên về dự báo và các nhà khoa học. Đôi với Việt Nam, trong Luật Phòng chống thiên tai đã chỉ rất rõ chúng ta cần phải chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, hiện nay công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai của Ban chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Phòng chống thiên tai hiện nay đang tập trung vào mọi nguồn lực để chủ động phòng ngừa. Khoa học công nghệ cần phải đóng vai trò quan trọng và đưa ra các giải pháp để chúng ta có thể chủ động phòng ngừa cũng như chủ động ứng phó”
Ông cho rằng trong 20 loại hình thiên tai xảy ra ở Việt Nam, có một số loại hình thiên tai phổ biến và gây thiệt hại khó lường nhất đó là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây ra sạt lở đất, lũ quét ở miền núi phía Bắc, mưa lớn gây ngập lụt trên toàn quốc; sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long , xâm nhập mặn và sạt lở ở một số địa phương ven biển miền Trung. Ông đề nghị các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu vào lĩnh vực phòng chống thiên tai đồng thời tập trung đầu tư nghiên cứu về lĩnh vực khoa học công nghệ trong quản lý như công tác bảo hiểm rủi ro thiên tai; xã hội hóa trong công tác phòng chống thiên tai, phát triển mô hình đối tác công tư cho lĩnh vực phòng chống thiên tai... để hỗ trợ cho các cơ quan quản lý từ đó đưa các chính sách vào thực tiễn góp phần giảm thiểu thiệt hai do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, Ông cũng chia sẻ thêm nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ, quản lý trong công tác phòng ngừa rủi ro thiên tai ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, miền Bắc...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Tiểu ban Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai GS.TS. Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp với Viện và các đơn vị trong Bộ tập hợp các kết quả nghiên cứu đã có để đưa ra các nghiên cứu tiếp theo và các nhiệm vụ khoa học công nghệ về lĩnh vực này trong thời gian tới.
GS.TS. Tăng Đức Thắng cho rằng, các báo cáo trình bày tại Hội thảo đã nêu lên được thực trạng và cũng đã chỉ ra được những tồn tại trong các nghiên cứu hiện nay. Tuy nhiên còn thiếu nhiều nghiên cứu về những vấn đề lớn của thiên tai như phòng chống lũ bùn đá, lũ quét, vận hành các hồ chứa... do vậy Trưởng Tiểu ban đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét về vấn đề này.
Cũng trong sáng ngày 23/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tổ chức 02 Hội thảo khoa học và công nghệ chuyên ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai tiểu ban Quản lý công trình thủy lợi và tiểu ban xây dựng và bảo vệ công trình tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Thủy công.
Theo: http://www.vawr.org.vn
Tin mới nhất