(WIP) - Với mục tiêu hỗ trợ, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Khoa học và Công nghệ, rà soát những bất cấp và đảm bảo cho việc thực hiện các chương trình đạt mục tiêu và hoàn thành các nội dung đặt ra, ngày 20/7 vừa qua, tại Hà Nội, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước đã tổ chức Hội nghị Sơ kết giữa kỳ các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước Ông Nguyễn Thiện Thành cho biết Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 07 Chương trình và được triển khai trong thời điểm Chính phủ tiến hành nhiều đổi mới trong quản lý điều hành với mục tiêu xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo. Hoạt động của các Chương trình trọng điểm tiếp tục nằm trong xu thế đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ.
Ngoài ra cơ chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu và triển khai đã có nhiều cải thiện đặc biệt sau khi ban hành 02 thông tư liên tịch mới (Thông tư 55 và 27) đã tạo sự thông thoáng cho công tác lập dự toán và thanh toán kinh phí các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, giảm tải đáng kể cho người làm khoa học cũng như cán bộ quản lý….
Năm 2018 là năm thứ 3 trong kế hoạch 5 năm (2016-2020) của các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia và tính đến thời điểm này, tổng số nhiệm vụ đã được phê duyệt để triển khai là 205 nhiệm vụ, với tổng kinh phí xấp xỉ 1,864 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 1,280 tỷ, kinh phí ngoài ngân sách là 584 tỷ đồng.
Cũng theo Ông Nguyễn Thiện Thành, do chưa có nhiệm vụ kết thúc nên việc đánh giá kêt quả đạt được của các Chương trình căn cứ vào tình hình thực hiện trong quá trình kiểm tra đánh giá của các Ban chủ nhiệm Chương trình. Mặt dù tiến độ thực hiện của một số đề tài/dự án còn chậm, sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì và chủ nhiệm trong nhiều đề tài, dự án còn chưa tốt do một số nguyên nhân tuy nhiên nhìn chung các chương trình vẫn đang triển khai và bám sát mục tiêu và nội dung sản phẩm của các Chương trình.
“Với trên 100 nhiệm vụ được triển khai trong 02 năm (2016-2017) của 07 Chương trình đã có một số sản phẩm đăng ký của các nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, từng bước được đánh giá và đưa vào ứng dụng thực tế bao gồm 23 loại vật liệu mới/hàng hóa sử dụng loại vật liệu mới; 12 thiết bị/hệ thống thiết bị; 02 công nghệ và 01 mô hình chạy số vật liệu; 31 quy trình/giải pháp và kiến nghị; 08 cơ sở dữ liệu/phần mềm; 85 bài báo trong nước; 8 bài tạp chí quốc tế…”, Ông Nguyễn Thiện Thành cho biết
Về định hướng trong thời gian tới, để có thể hoàn thành được mục tiêu các Chương trình đã đặt ra với khối lượng công việc rất lớn, Ông Nguyễn Thiện Thành cho rằng các Ban Chủ nhiệm Chương trình và các đơn vị quản lý cần nỗ lực hơn nữa, tiếp tục rà soát nội dung thực hiện của các Chương trình; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai việc đưa các nhiệm vụ vào thực hiện trong năm 2019 để có thể đáp ứng được cơ bản Khung của Chương trình; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các đề tài dự án; tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm của Chương trình để nhanh chóng đưa các kết quả vào ứng dụng sản xuất nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về hiệu quả của khoa học và công nghệ…
Báo cáo sơ kết Chương trình và kế hoạch thực hiện đến năm 2020, Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai” (KC.08/16-20) PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã báo cáo sơ lược kết quả hoạt động của Chương trình KC.08/16-20. Theo đó, đến nay Chương trình đã có 31 nhiệm vụ bao gồm 12 nhiệm vụ lĩnh vực môi trường và 19 nhiệm vụ thiên tai.
"Mặc dù chưa có nhiệm vụ nào nghiệm thu, tuy nhiên một số kết quả cơ bản đã được hình thành và bước đầu đưa vào thử nghiệm, ứng dụng thực tiễn như hệ thống mô hình tổ hợp dự báo khí hậu hạn mùa dựa trên trường khí hậu mô hình dự báo lại cho thời kỳ 1983-2010 được đánh giá và áp dụng hiệu chỉnh cho dự báo hạn mùa thời gian thực; Bộ tiêu chí xác định mức độ nguy hiểm của các ngầm tràn khu vực miền Trung trong đó chứa các thông tin như tọa độ, vị trí, kích thước, hiện trạng...; hệ thống mô hình dự báo định lượng mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ Việt Nam theo chế độ nghiệp vụ.... Năm nội dung thuộc khung Chương trình cơ bản đã có các nhiệm vụ, chi tiết từng nội dung cần tiếp tục bổ sung thêm một số nhiệm vụ và Ban chủ nhiệm thường xuyên đôn đốc các nhiệm vụ thuộc Chương trình về tiến độ và chuyên môn”, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt cho biết.
PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt cho rằng số lượng các dự án sản xuất thử nghiệm là 20% theo mục tiêu đề ra khó khả thi do sản phẩm khoa học của chương trình chủ yếu phục vụ công ích, các nguồn đối ứng của dự án sản xuất thử nghiệm chủ yếu từ ngân sách Nhà nước do vậy khó khăn trong việc bố trí vốn, đặc biệt thời gian vừa qua Chính phủ tiếp tục cắt giảm chi tiêu công.
Chủ nhiệm Chương trình KC.08/16-20 PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (ngồi giữa) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CT
Để hoàn thành các nội dung, vấn đề nghiên cứu còn thiếu trong khung Chương trình góp phần vào việc giải quyết những vấn đề nóng và quan trọng về môi trường và phòng chống thiên tai, trong thời gian tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Chủ nhiệm Chương trình KC.08/16-20 đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục mở mới các nhiệm vụ đợt cuối cho Chương trình KC.08/16-20 tập trung vào một số hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực thiên tai, lĩnh vực môi trường và quan tâm các nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi nghe báo cáo sơ kết chung của các Chương trình và Kế hoạch thực hiện đến năm 2020, các Ban chủ nhiệm và các đơn vị quản lý có mặt tại Hội nghị đã tiến hành trao đổi, thảo luận về tình hình triển khai và kế hoạch thực hiện của các Chương trình...
Theo: www.vawr.org.vn
Tin mới nhất