TextBody
, 24/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”

18/07/2018

(WIP) - Nhằm nâng cao chất lượng công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, ngày 18/7 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tham dự Hội nghị về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN Nguyễn Nam Hải; Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Thanh Thủy; lãnh đạo các Vụ, Tổng cục các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện các đơn vị chủ trì xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và một số chuyên gia…

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện, đại diện Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường; Viện Thủy công; Phòng Thí nghiệm trọng điểm, Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi và Ban Kế hoạch Tổng hợp.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 6/2018, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng, công bố, ban hành 804 tiêu chuẩn và 209 quy chuẩn, riêng lĩnh vực nông lâm, thủy sản có 583 tiêu chuẩn và 204 tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn và tiêu chuẩn phân theo những nhóm ngành như giống cây trồng nông nghiệp, phân bón, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thực phẩm, cơ điện nông nghiệp, thủy lợi.

Việc công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đã góp phần đẩy mạnh sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng tốt và an toàn, đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu. Đến cuối năm 2017, các nhóm sản phẩm hàng hóa đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý, áp dụng. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn của các cơ quan quản lý nhà nước còn thấp nên việc xây dựng kế hoạch không tập trung, bố trí nguồn lực cán bộ, chất lượng nguồn lực chưa đúng, đủ; chất lượng nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, số các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng trong thực tế sản xuất chưa nhiều; cơ chế tài chính cho công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn không còn phù hợp, không huy động được sự tham gia của các tổ chức khoa học công nghệ và tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trên cần gắn trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; Giao việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các Viện, Trường Đại học, Hiệp hội, Hội, Doanh nghiệp…

Theo: www.vawr.org.vn