(WIP) Ngày 14/07/2020, Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ cấp Bộ “Rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia: Công trình thủy lợi – Đai cây chắn sóng – Khảo sát và thiết kế” do ThS. Lê Ngọc Cương làm chủ nhiệm, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chủ trì thực hiện.
Thành phần Hội đồng nghiệm thu có ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Chủ tịch, PGS.TS. Nguyễn Khắc Nghĩa – Chuyên gia độc lập – Phản biện 1, PGS.TS. Phạm Đức Tuấn – Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam – Phản biện 2, cùng các uỷ viên TS. Trịnh Tuấn Long - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông Phạm Đức Luận – Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều - Tổng cục Phòng, chống thiên tai, TS. Nguyễn Tuấn Anh – Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và PTNT và GS.TS. Thiều Quang Tuấn – Trường Đại học Thuỷ lợi.
Về phía Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình có ThS. Phạm Văn Động – Phó Viện trưởng, ThS. Nguyễn Đăng Dũng – Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính cùng nhóm thực hiện đề tài.
Báo cáo trước Hội đồng, thay mặt nhóm thực hiện, ThS. Lê Ngọc Cương - Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong việc tính toán, thiết kế đai cây chắn sóng bảo vệ đê biển trong những năm vừa qua, nhận thấy tiêu chuẩn quốc gia 10405:2014 “Công trình thủy lợi – Đai cây chắn sóng – Khảo sát và thiết kế” còn một số tồn tại như: tiêu chuẩn đã ban hành chưa đề cập chi tiết đến công tác khảo sát địa hình, địa chất, yếu tố khí hậu thủy hải văn cho giai đoạn lập hồ sơ thiết kế dẫn đến không có sự thống nhất trong việc lập đề cương khảo sát, thiết kế. Thực tế cho thấy, việc hiệu quả của các công trình tạm gây bồi giảm sóng chưa cao do trong mỗi điều kiện làm việc khác nhau yêu cầu bề rộng tường mềm khác nhau, trong khi đó tiêu chuẩn đã ban hành chưa đưa ra được phương pháp xác định bề rộng tường mềm, mật độ cọc, chiều cao cọc, vật liệu lấp nhét, kĩ thuật thi công. Hơn nữa, qua kết quả theo dõi, đánh giá các công trình cho thấy, đai cây ngập mặn sau hai năm trồng chưa đảm bảo hiệu quả tiêu giảm được 70% chiều cao sóng tác động vào bờ. Do đó, việc rà soát, đánh giá lại hiệu quả giảm sóng, gây bồi, tỉ lệ sống của cây ngập mặn sau trồng và tuổi thọ công trình của tiêu chuẩn đã ban hành là cần thiết.
Qua hai năm thực hiện, từ năm 2018-2019, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã hoàn thành một số công việc như sau: thu thập, tổng hợp, đánh giá tài liệu trồng cây ngập mặn chắn sóng; điều tra đánh giá thực trạng liên quan đến khảo sát, thiết kế, thi công trồng cây ngập mặn tại 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau (loài cây, tiêu chuẩn cây, mật độ trồng, kĩ thuật trồng, bề rộng tường mềm giảm sóng, chiều cao, mật độ cọc, kỹ thuật thi công, vật liệu lấp nhét); đánh giá kết quả điều tra các dự án trồng cây ngập mặn đã thực hiện; xây dựng dự thảo Rà soát Tiêu chuẩn Việt Nam 10405:2014.
Sau khi nghe nhận xét của các thành viên trong Hội đồng, ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đây là một nhiệm vụ có nhiều nội dung nghiên cứu, chủ nhiệm nhiệm vụ đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đầy đủ số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; hồ sơ nhiệm vụ chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy định.
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm nhiệm vụ và nhóm thực hiện chỉnh sửa các lỗi văn bản trong Dự thảo tiêu chuẩn, bổ sung theo những ý kiến góp ý của Hội đồng.
Nhiệm vụ được Hội đồng nghiệm thu thông qua và yêu cầu hoàn thiện và nộp lại trong vòng 10 ngày để gửi vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm định.
Một số hình ảnh tại cuộc họp
ThS. Lê Ngọc Cương - Chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo kết quả trước Hội đồng
ThS. Phạm Văn Động – Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phát biểu tại cuộc họp
PGS.TS. Nguyễn Khắc Nghĩa – Chuyên gia độc lập – Phản biện 1 phát biểu tại cuộc họp
GS.TS. Thiều Quang Tuấn – Trường Đại học Thuỷ lợi – Uỷ viên phát biểu tại cuộc họp
Ông Phạm Đức Luận – Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều - Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Uỷ viên phát biểu tại cuộc họp
Nguyễn Tuấn Anh – Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Bộ NN và PTNT phát biểu tại cuộc họp
PGS.TS. Phạm Đức Tuấn – Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam – Phản biện 2 phát biểu tại cuộc họp
Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận tại cuộc họp
Người viết: ThS. Trần Thu Huyền
Phòng Kế hoạch, Tài chính
Tin mới nhất