TextBody
, 23/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Quốc gia

25/06/2020

(WIP) – Ngày 25/6/2020, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài KH&CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”, mã số BĐKH.19/16-20 do Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì thực hiện.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, đại diện đơn vị chủ trì đề tài cho biết các tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan... đang hiện hữu ngày càng nhiều hơn, rõ rệt hơn, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Khu vực Nam Trung Bộ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước hiện cũng đang chịu ảnh hưởng lớn bởi vấn nạn này. Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặt ven biển tác động xấu đến hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” Viện hy vọng sẽ góp phần đưa ra các giải pháp khoa học và công nghệ căn cơ giúp cho công tác quy hoạch và quản lý rừng ngập mặn tại Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung, góp phần khắc phục bền vững những thiệt hại do biến đổi khí hậu.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phát biểu khai mạc cuộc họp

Báo cáo trước Hội đồng, thay mặt nhóm thực hiện, TS. Đỗ Quý Mạnh - Chủ nhiệm Đề tài đã tóm tắt quá trình thực hiện và báo cáo các sản phẩm khoa học cũng như tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu từ năm 2017 – 2020, đề tài đã cho thấy cái nhìn tổng quan về diện tích và chất lượng rừng ngập mặn hiện tại cũng như tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội đến rừng ngập mặn Nam Trung Bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đề tài đã phát hiện phân vùng mới đối với loài Cóc đỏ, thực vật quý có tên trong sách đỏ Việt Nam, tại rừng ngập mặn tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó cũng phát hiện ra loài giáp xác chân đều hại trên 10 ha Bần trắng tại tỉnh Bình Định cho thấy cần phải được quản lý, phòng trừ.

Đã xây dựng 01 vườn ươm giống cây ngập mặn tại tỉnh Bình Định có quy mô 1.000 m2 với số lượng cây ngập mặn sản xuất phục vụ đề tài trên 26.000 cây; Xây dựng 02 mô hình trồng rừng và phục hồi rừng ngập mặn tại tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận với quy mô 6ha đạt tỷ lệ sống cây ngập mặn là trên 85%, cây sinh trưởng phát triển tốt.

Đề xuất được quy trình canh tác tổng hợp rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và đề xuất các chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn khu vực Nam Trung Bộ.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã hoàn thành việc đào tạo 03 thạc sĩ, góp phần đạo tạo 02 tiến sĩ; Xuất bản 04 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và 01 bài trên tạp chí quốc tế; Xuất bản 01 cuốn sách tham khảo về rừng ngập mặn Nam Trung Bộ.

TS. Đỗ Quý Mạnh, Chủ nhiệm đề tài báo cáo một số kết quả thực hiện đề tài

Sau khi nghe nhận xét của các thành viên trong Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa, Chủ tịch Hội đồng, kết luận:  Đây là một đề tài có ý nghĩa thực tiễn to lớn, nghiên cứu vấn đề có tính cấp thiết của nước ta hiện nay trong việc giải quyết những yếu tố tổn thương vùng bờ sông, ven biển. Các kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị cao để chuyển giao cho các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý và cho các địa phương để tham khảo triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển rừng ngập mặn. Đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt; hồ sơ nhiệm vụ chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy định.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài và nhóm thực hiện Đề tài chỉnh sửa bố cục lại báo cáo tổng hợp, sửa các lỗi chính tả, cập nhật số liệu và các tiêu chuẩn, làm rõ tính đại diện về mẫu và số lượng mẫu điều tra về đặc điểm thực vật ngập mặn, thuỷ sản..., bổ sung phần kết luận cho đầy đủ các kết quả đã thực hiện, chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

Đề tài được đánh giá đạt yêu cầu để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiệm thu chính thức.

Một số hình ảnh tại cuộc họp

PGS.TS. Ngô Đình Quế, Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam, phản biện 1 phát biểu tại cuộc họp

GS.TSKH. Nguyễn Đức Ngữ, Trung tâm KHCN Khí tượng Thuỷ văn và  Môi trường, phản biện 2 phát biểu tại cuộc họp

GS.TS. Vũ Minh Cát, chuyên gia độc lập, phát biểu tại cuộc họp

GS.TS. Trần Đình Hoà, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, Chủ tịch hội đồng phát biểu kết luận cuộc họp

Người viết: Trần Thu Huyền

Phòng Kế hoạch, Tài chính