TextBody
, 23/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ cấp Bộ

12/12/2019

(WIP)- Ngày 12/12/2019, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ cấp Bộ “Rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia: Công trình thủy lợi – Đai cây chắn sóng – Khảo sát và thiết kế” do ThS. Lê Ngọc Cương - Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình làm chủ nhiệm.

Báo cáo trước Hội đồng, thay mặt nhóm thực hiện, ThS. Lê Ngọc Cương - Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong việc tính toán, thiết kế đai cây chắn sóng bảo vệ đê biển trong những năm vừa qua, nhận thấy tiêu chuẩn quốc gia 10405:2014: “Công trình thủy lợi – Đai cây chắn sóng – Khảo sát và thiết kế” còn một số tồn tại như: tiêu chuẩn đã ban hành chưa đề cập chi tiết đến công tác khảo sát địa hình, địa chất, yếu tố khí hậu thủy hải văn cho giai đoạn lập hồ sơ thiết kế dẫn đến không có sự thống nhất trong việc lập đề cương khảo sát, thiết kế. Thực tế cho thấy, việc hiệu quả của các công trình tạm gây bồi giảm sóng chưa cao do trong mỗi điều kiện làm việc khác nhau yêu cầu bề rộng tường mềm khác nhau, trong khi đó tiêu chuẩn đã ban hành chưa đưa ra được phương pháp xác định bề rộng tường mềm, mật độ cọc, chiều cao cọc, vật liệu lấp nhét, kĩ thuật thi công. Hơn nữa, qua kết quả theo dõi, đánh giá các công trình cho thấy, đai cây ngập mặn sau hai năm trồng chưa đảm bảo hiệu quả tiêu giảm được 70% chiều cao sóng tác động vào bờ. Do đó, việc rà soát, đánh giá lại hiệu quả giảm sóng, gây bồi, tỉ lệ sống của cây ngập mặn sau trồng và tuổi thọ công trình của tiêu chuẩn đã ban hành là cần thiết.

 Từ thực tiễn cấp bách nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia: Công trình thủy lợi – Đai cây chắn sóng – Khảo sát và thiết kế”, ThS. Lê Ngọc Cương cho biết thêm.

 ThS. Lê Ngọc Cương, chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo kết quả thực hiện

Mục tiêu của nhiệm vụ là rà soát lại tiêu chuẩn Việt Nam 10405:2014, bổ sung bộ số liệu thu thập, đánh giá hiệu quả các dự án đã triển khai thực hiện, bổ sung chi tiết về công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy hải văn; rà soát lại một số nội dung về hiệu quả giảm sóng của đai cây ngập mặn, yêu cầu về bề rộng, mật độ, kích thước, tiêu chuẩn cây đem trồng…

Qua hai năm thực hiện, từ năm 2018-2019, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã hoàn thành một số công việc như sau: thu thập, tổng hợp, đánh giá tài liệu trồng cây ngập mặn chắn sóng; điều tra đánh giá thực trạng liên quan đến khảo sát, thiết kế, thi công trồng cây ngập mặn tại 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau (loài cây, tiêu chuẩn cây, mật độ trồng, kĩ thuật trồng, bề rộng tường mềm giảm sóng, chiều cao, mật độ cọc, kỹ thuật thi công, vật liệu lấp nhét); đánh giá kết quả điều tra các dự án trồng cây ngập mặn đã thực hiện; xây dựng dự thảo Rà soát Tiêu chuẩn Việt Nam 10405:2014.

   PGS.TS Trịnh Văn Hạnh - Chủ tịch Hội đồng kết luận tại cuộc họp

Sau khi nghe nhận xét của các thành viên trong Hội đồng và ý kiến giải trình của chủ nhiệm nhiệm vụ, thay mặt Hội đồng, PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh kết luận: Đây là một nhiệm vụ có nhiều nội dung nghiên cứu, chủ nhiệm nhiệm vụ đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đầy đủ số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; hồ sơ nhiệm vụ chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy định.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm nhiệm vụ và nhóm thực hiện chỉnh sửa Dự thảo tiêu chuẩn, đúng biểu mẫu của tiêu chuẩn, chỉnh sửa lại các thuật ngữ, khái niệm theo quy định, cần làm rõ điều kiện thiết kế tường mềm giảm sóng, thiết kế đai cây chắn sóng, yêu cầu nhóm thực hiện tham khảo thường xuyên ý kiến của các chuyên gia, thành viên hội đồng trong quá trình chỉnh sửa.

Đề tài được đánh giá đạt yêu cầu để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  nghiệm thu chính thức.

Một số hình ảnh khác tại cuộc họp