TextBody
, 23/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Kiểm tra kết quả xây dựng mô hình đề tài “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”

06/06/2020

(WIP) – Trong thời gian từ ngày 06 - 07/6/2020, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đi kiểm tra kết quả xây dựng mô hình thuộc đề tài KH&CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”, mã số BĐKH.19/16-20 do Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì thực hiện.

Thành phần đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Nguyễn Thạc Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh – Phó Chánh Văn phòng Chương trình KH&CN cấp Quốc gia về Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu và ông Nguyễn Nam Hải – Chuyên viên Văn phòng Chương trình. Về phía đơn vị chủ trì thực hiện - Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình có TS. Đỗ Quý Mạnh – Chủ nhiệm đề tài, cùng các thành viên tham gia thực hiện đề tài.

Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo địa phương nơi đề tài triển khai các mô hình gồm: Ông Nguyễn Ngọc Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Như Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Đoàn công tác đã đến kiểm tra 02 mô hình trồng và chăm sóc rừng ngập mặn tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Tại đây, đoàn đã được đơn vị chủ trì báo cáo về các giải pháp đã tiến hành trong quá trình xây dựng mô hình như: Xây dựng tường mềm giảm sóng, cải tạo thể nền sau đó mới tiến hành trồng cây ngập mặn; loài cây ngập mặn được lựa chọn để trồng trong mô hình là các loài có vùng phân bố tự nhiên, sinh trưởng phát triển tốt tại khu vực nghiên cứu, có khả năng chịu ngập triều sâu và có hệ rễ phát triển, cắm sâu vào đất giúp giảm thiểu tác động của nước triều đến sinh trưởng và phát triển của cây. Kết quả cho thấy các cây Đước đôi và Mắm biển trồng trong cả 2 mô hình có các chỉ tiêu lâm học như: đường kính gốc, chiều cao vút ngọn, đường kính tán đạt mức sinh trưởng tốt trong điều kiện lập địa khó khăn với thể nền chủ yếu là cát và các tàn dư của rạn san hô, ngập triều sâu.

Kết thúc đợt kiểm tra, đoàn công tác đánh giá cao kết quả xây dựng mô hình trồng và chăm sóc rừng ngập mặn của đơn vị chủ trì. Đoàn công tác cũng đề nghị đơn vị chủ trì tiếp tục theo dõi, quản lý, chuẩn bị bàn giao lại mô hình cho địa phương trong thời gian tới.

Một số hình ảnh của đoàn công tác trong buổi kiểm tra kết quả xây dựng mô hình

Đoàn đi kiểm tra mô hình trồng và chăm sóc rừng ngập mặn tại xã Tam Giang,  huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Đoàn đi kiểm tra mô hình trồng và chăm sóc rừng ngập mặn tại xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

Người viết: ThS. Trần Thị Thu Huyền

Phòng Kế hoạch, Tài chính