TextBody
, 23/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Kiểm tra kết quả xây dựng mô hình đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã tại Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau”

14/06/2020

(WIP) – Ngày 13 - 14/6/2020, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đi kiểm tra kết quả xây dựng mô hình thuộc đề tài KH&CN độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng, xã tại Khu Dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau” do Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì thực hiện.

Thành phần đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ có ông Trần Nam Bình - Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; PGS.TS. Trần Văn Thuỵ - Chuyên gia độc lập. Về phía đơn vị chủ trì thực hiện - Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình có ThS. Nguyễn Thị My – Thư ký đề tài, cùng các thành viên tham gia thực hiện đề tài.

Ngoài ra còn có sự tham gia của cán bộ quản lý tại địa phương gồm: Ông Dương Như Quỳnh – Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau; Ông Nguyễn Tấn Truyền – Vườn Quốc gia U Minh Hạ cùng đại diện lãnh đạo các xã nơi triển khai mô hình của đề tài.

Đoàn công tác đã đến kiểm tra 03 mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô cấp xã ở các vùng sinh thái khác nhau của Cà Mau: Mô hình Bảo tồn và sử dụng hợp lý hệ sinh thái rừng ngập mặn quy mô làng xã tại ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau; Mô hình Bảo tồn động vật hoang dã kết hợp du lịch sinh thái quy mô làng xã tại ấp Đồng Khởi, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau và mô hình nuôi cá Bống Tượng (Oxyeleotris marmoratus) quy mô làng xã tại ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Kết quả cho thấy các cây Mắm trắng (Avicennia alba Blume) trồng trong mô hình đã bắt đầu khép tán hình thành rừng, giúp hạn chế tác động của sóng gió biển vào bãi trồng và tích lũy phù sa làm cho thể nền cao lên nhanh, thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển của cây ngập mặn, thậm chí còn thấy một số lượng cây Mắm đen tái sinh trong quần thể cây trồng và tạo thành dạng quần thể hỗn giao; Cá Bống Tượng trong các ao nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.

Kiểm tra mô hình Bảo tồn động vật hoang dã kết hợp du lịch sinh thái quy mô làng xã, cụ thể là mô hình vườn chim, đoàn công tác thấy rõ tính hiệu quả của các giải pháp đơn vị chủ trì thực hiện đề tài đã áp dụng tại đây như: Phát dọn cành thấp, cây bụi trong các liếp rừng và cải tạo hệ thống kênh dẫn nước trong các đầm, vuông; Bổ sung nguồn thức ăn tại chỗ; Xây chòi quan sát và trạm nuôi cứu hộ chim… nhờ đó đã giữ chân và thu hút thêm được một số lượng lớn các loài chim về đây cư trú, trong đó có nhiều loài chim quý như chim Điêng Điểng (Anhinga melanogaster), chim Cốc Đen (Phalacrocorax niger), là cơ sở để có thể phát triển du lịch và thu hút khách đến thăm quan.

Kết thúc đợt kiểm tra, đoàn công tác đã đánh giá cao kết quả xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học quy mô làng xã của đơn vị chủ trì. Đoàn công tác cũng đề nghị đơn vị chủ trì tiếp tục phối hợp với địa phương, người dân, các chuyên gia tư vấn để theo dõi, quản lý, chuẩn bị bàn giao lại mô hình cho địa phương trong thời gian tới.

Một số hình ảnh của đoàn công tác trong buổi kiểm tra kết quả xây dựng mô hình

Đoàn đi kiểm tra mô hình Bảo tồn và sử dụng hợp lý hệ sinh thái rừng ngập mặn quy mô làng xã tại ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Đoàn đi kiểm tra mô hình Bảo tồn động vật hoang dã kết hợp du lịch sinh thái quy mô làng xã tại ấp Đồng Khởi, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Đoàn đi kiểm tra mô hình nuôi cá Bống Tượng (Oxyeleotris marmoratus) quy mô làng xã tại ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Người viết: ThS. Trần Thị Thu Huyền

Phòng Kế hoạch, Tài chính