(WIP) - Nhằm làm rõ thêm những kết quả, thành tựu đã đạt được cũng như phân tích những hạn chế, tồn tại để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho sự phát triển của Viện trong năm 2018 và những năm tiếp theo, ngày 19/1, tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.
Hội nghị trực tuyến diễn ra tại 03 điểm cầu tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên.
Quang cảnh hội nghị
Các tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị
Tham dự Hội nghị tổng kết về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Ông Vũ Xuân Thủy - Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; GS.TS. Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Ông Nguyễn Thành Lệ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Ông Đinh Vũ Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Ông Lại Văn Ước - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính; Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi; Ông Trần Tố Nghị - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình; Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai; GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi - Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra còn có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có đại diện các Vụ Khoa học xã hội nhân văn và tự nhiên; Vụ KH và CN các ngành kinh tế kỹ thuật; Vụ Phát triển Khoa học và công nghệ địa phương; đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm Quốc gia.
Về phía cơ quan trung ương, địa phương có GS.TS. Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi; đại diện các Hội Thủy lợi, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Hội Tưới tiêu Việt Nam; Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam; Đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam; Tạp chí KH&CN Việt Nam và các cơ quan báo chí; Các chuyên gia cố vấn, các nhà khoa học, nhà quản lý có nhiều sự hợp tác với Viện trong và ngoài ngành.
GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Viện tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Viện; PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; Các GS, PGS nguyên là lãnh đạo Viện qua các thời kỳ, các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực thủy lợi; Các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện; Đại diện các phòng, trung tâm của các đơn vị thuộc Viện; Các cán bộ có trình độ từ TS trở lên của Viện.
PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện đã trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Viện và phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Theo đó, năm 2017 tiếp tục là năm Viện hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhiệm vụ đã đặt ra toàn diện về mọi mặt, một số chỉ tiêu vượt mức kế hoạch, lực lượng cán bộ khoa học trình độ cao được tăng cường, số lượng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công tác chuyển giao công nghệ, tư vấn dịch vụ xây dựng, đào tạo, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất thực hiện trong năm 2017 là rất lớn, có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Viện phát triển ổn định, công tác giải ngân kinh phí cấp đảm bảo, bộ máy ổn định, công tác cán bộ được quan tâm, có đóng góp thiết thực hiệu quả cho ngành. Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như:
Về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: Trong năm 2017, Viện chủ trì thực hiện 148 nhiệm vụ KHCN các cấp bao gồm 42 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Quốc gia; 25 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, trong đó có 2 đề tài trọng điểm; 03 nhiệm vụ môi trường, 45 nhiệm vụ nghiên cứu thường xuyên, 13 nhiệm vụ nghiên cứu cấp Tỉnh, thành phố, 8 nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; 2 dự án điều tra cơ bản, 4 nhiệm vụ giám sát chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi, 6 nhiệm vụ dự báo nguồn nước cho 5 vùng đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Lũy - La Ngà.
Công tác xây dựng kế hoạch KHCN trong năm 2017 của Viện đã có những bước đổi mới rõ rệt, bám sát và ưu tiên các nhiệm vụ theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những vấn đề bức xúc của thực tiễn và với cách tiếp cận theo cụm nhóm nhiệm vụ để giải quyết toàn diện, thống nhất theo chuỗi một vấn đề, chủ động tiếp cận các chương trình khoa học trọng điểm như chương trình KC08, KC09, Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Biến đổi khí hậu, chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới, v,v... bám sát nhu cầu của địa phương, của các doanh nghiệp, một cách tiếp cận nữa là giải quyết những tồn tại từ các vấn đề nghiên cứu trước, từ dưới đi lên (từ các đề tài cơ sở cấp viện), từ các hội thảo, nắm bắt quy luật cung – cầu...
Với lợi thế làm chủ nhiều sản phẩm khoa học công nghệ, trong năm qua đã có nhiều sản phẩm, kết quả nghiên cứu của Viện tiếp tục được chuyển giao vào sản xuất thông qua các hợp đồng tư vấn xây dựng, lắp đặt thiết bị như: Công nghệ đập xà lan, trụ đỡ áp dụng cho cống Cái Lớn, Cái Bé (cửa van có khẩu độ lớn nhất châu Á), các công trình chống ngập cho TP.HCM, các cống lớn thuộc dự án bờ tả sông Sài Gòn, xây dựng công trình thuộc dự án WB9, đập ngăn mặn sông Hiếu (Quảng Trị), đập ngăn mặn sông Trà Bồng (Quảng Ngãi); xây dựng mô hình thủy lực, thủy văn sông Dinh, mô hình thoát nước thành phố Phan Rang - Tháp Tràm và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm lưu vực sông Dinh tỉnh Ninh Thuận, công nghệ SCADA cho hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, mô hình thủy lực, thủy văn sông Rào Cái và mô hình thoát nước tại thành phố Hà Tĩnh; Công nghệ Jet-grouting xử lý nền đường bao phía Đông Nam – Quận Hải An - Hải Phòng; các máy bơm công suất lớn OП6-145 (36000 m3/h) lắp đặt tại trạm bơm thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, máy bơm hút sâu tại khu thí nghiệm Ninh Thuận và thủy điện Nam Theun I (CHDCND Lào), hệ thống với rác tự động cho trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Nội), Công nghệ tường mềm giảm sóng gây bồi tạo bãi trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ biển ở ĐBSCL... Các giải pháp phi công trình cũng được chuyển giao áp dụng vào thực tế sản xuất như các mô hình quản lý tổ chức/thủy nông cơ sở, các mô hình quản lý có sự tham gia của người dân (PIM) trong các dự án WB6, WB7, ADB 8...
Trong công tác chuyển giao khoa học công nghệ, Viện cũng đã tiếp cận và làm chủ được phương pháp và công cụ mới (gói phần mềm TELEMAC) trong dự án đề xuất giải pháp tổng thể kỉểm soát ngập lũ lưu vực sông Đồng Nai do Quỹ phát triển Pháp tài trợ; trực tiếp thông qua các công ty của Nhật Bản: công ty FRICS về Công nghệ thông tin quản lý thiên tai, Công ty Biospring về gói kỹ thuật công nghệ (kỹ thuật tưới và công nghệ sinh học) tiết kiệm nước và nâng chất lượng nho ở Ninh Thuận
Kế thừa việc đăng ký hồ sơ từ những năm trước, năm 2017 Viện được cấp 03 bằng bảo hộ sáng chế (02 của Viện Thủy công, 01 của Trung tâm Công nghệ Phần Mềm thủy lợi). Trong năm 2017 có 20 sản phẩm KHCN của Viện đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận hồ sơ, đang chờ công bố và thẩm định hồ sơ trong đó có thể kể đến Viện Thủy Công 10 hồ sơ, Phòng TNTĐ 4 hồ sơ, Viện Sinh thái và BVCT 3 hồ sơ, v.v..
Về hợp đồng kinh tế, Viện đã thực hiện các hợp đồng kinh tế rất đa dạng (khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, bản vẽ thi công, tổng dự toán, giám sát, thẩm tra thẩm định, đánh giá tác động môi trường, xây dựng đơn giá định mức, thí nghiệm vật liệu, thí nghiệm mô hình vật lý, chạy các chương trình tính toán chuyên dụng, cung cấp thiết bị, bản quyền…) từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách nhà nước, các dự án ODA (WB, ADB, JICA, BTC…), các dự án kỹ thuật do các nước tài trợ, các tổ chức phi chính phủ NGO , các doanh nghiệp…
Trong năm 2017, mặc dù Nhà nước thắt chặt chi tiêu công nhưng các đơn vị đều vượt mức khoán theo quy chế chi tiêu nội bộ. Tổng kinh phí từ các hợp đồng năm 2017 đạt 439 tỷ đồng, bao gồm cả kinh phí của nhiều hợp đồng đã thực hiện nghiệm thu từ các năm trước.
Về công tác hợp tác quốc tế, Viện tiếp tục duy trì hợp tác với CHLB Đức về đào tạo sau đại học theo chương trình TERMA và với tổ chức JICA một cách toàn diện về các lĩnh vực hoạt động của Viện. Viện tiếp tục hợp tác với tổ chức Phòng chống thiên tai châu Á- Thái Bình Dương (ADCP) về đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng Engine Google Earth, tính toán hạn cực đoan… và tiếp tục duy trì là thành viên của nhiều mạng lưới, trung tâm và hiệp hội, tổ chức quốc tế có uy tín như INWEP, CNRD, BORDA...
Viện đã đón tiếp và làm việc với hàng chục đoàn, chuyên gia quốc tế và nhiều cán bộ của Viện tham quan khảo sát, tham dự các hội nghị quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác (cùng nhau đề xuất các đề tài hợp tác nghiên cứu), tổ chức các hội thảo...cùng nhau ký các văn bản ghi nhớ hợp tác...
Mặt khác, Viện và đơn vị thuộc Viện đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, trong đó Viện cùng với đối tác CHLB Đức tổ chức hội thảo quốc tế về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đối khí hầu, với đại sứ quán Úc tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giá dịch vụ trong bối cảnh triển khai thực hiện Luật Thủy lợị.
Về công tác tài chính, thực hiện theo Nghị định 54 của Chính phủ với việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, Viện đang từng bước triển khai xây dựng phương án tự chủ theo Thông tư số 90 của Bộ Tài chính với mức đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên. Tính đến thời điểm 31/12, tổng kinh phí tiền về Viện là 630 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ 191 tỷ chiếm khoảng 30%.
Một số công tác khác như công tác tổ chức, cán bộ; hành chính quản trị và quản lý đầu tư xây dựng, thông tin và tuyên truyền về KHCN; Công Đoàn Viện và Đoàn Thanh Niên luôn được Viện quan tâm và chú trọng. Có thể kể đến như việc áp dụng Nghị định 40 của Chính phủ về thu hút và trọng dụng nhân tài, Viện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết định xét thăng hạng đặc cách từ NCV lên NCVC cho 34 người, từ NCVC lên NCVCC cho 23 GS, PGS, nâng tổng số NCVCC toàn Viện lên con số 27 người và đã có 14 người đỗ thi thăng hạng NCVC qua thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp; Viện đang tiếp tục triển khai các hạng mục Dự án tăng trưởng xanh (khởi công triển khai các hạng mục của gói thầu, tiếp tục triển khai khu thí nghiệm Ninh Giang, làm thủ tục khu thí nghiệm tại thành phố Hồ Chí Mính) và khởi công xây dựng khu thí nghiệm tại Hòa Lạc...
Bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong năm 2017 và cơ hội, thách thức trong năm 2018 từ đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm đó là:
1. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 19, hội nghị Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Tập trung thực hiện tốt các đề tài dự án các cấp đã được phê duyệt. Các sản phẩm của đề tài phải hướng tới ứng dụng hiệu quả vào thực tế.
3. Rà soát, cập nhật các văn bản bản mới ban hành, điều chỉnh bổ sung hướng dẫn chi tiết cụ thể phục vụ công tác chỉ đạo điều hành thực hiện trong toàn Viện;
4. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực theo đề án đã được ban hành, chú trọng phát triển cán bộ khoa học trình độ cao hướng tới có đủ cán bộ đầu đàn cho từng lĩnh vực chuyên môn của Viện.
5. Tập trung làm chủ và triển khai áp dụng các công nghệ mũi nhọn và các gói công nghệ: Lĩnh vực Thủy lợi; Lĩnh vực phòng tránh giảm nhẹ thiên tai; Cơ chế chính sách
6. Tập trung chỉ đạo hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án đã khởi công. Đẩy nhanh dự án Cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc của Viện và các đơn vị trực thuộc (trong đó có hội trường tầng 1 của Viện) tại khu vực phía Bắc.
7. Xây dựng khung, nội dung và lộ trình thực hiện công tác đào tạo ngắn hạn, tổ chức quản lý tại khu nghiên cứu - đào tạo Hòa lạc.
8. Quản lý khai thác hiệu quả tài sản được Nhà nước giao.
9. Từng bước triển khai các nội dung hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Viện.
Tiếp theo đó, các đại biểu đã được nghe PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch Công đoàn Viện báo cáo công tác công đoàn Viện năm 2017 và đồng chí Ngô Cảnh Tùng - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện báo cáo công tác Đoàn Thanh niên năm 2017.
Nguồn: http://www.vawr.org.vn
Tin mới nhất