TextBody
, 23/12/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42 - 43 tỷ USD năm 2019

03/01/2019

(WIP) Ngày 3/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Kế hoạch Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng chủ trì hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018, ngành nông nghiệp đã hoàn thành và vượt 5/5 chỉ tiêu với mức cao. Trong đó, một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76% (Chính phủ giao từ 2,8 đến 3%); giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (kịch bản tăng trưởng đề ra là 3,25%); kim ngạch xuất khẩu đạt 40,02 tỷ USD (Chính phủ giao từ 36 đến 37 tỷ USD); tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65% (Quốc hội, Chính phủ giao là 41,6%); tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 42,4% (Chính phủ giao là 37%).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Cơ cấu lại nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân chưa trở thành phổ biến, chủ đạo; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Thị trường tiêu thụ nông sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn là khâu yếu. Công tác dự báo cung, cầu còn bất cập nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân hoặc nguồn cung thiếu nên giá tăng cao... 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong năm 2019 các FTA mới có hiệu lực mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập các thị trường mới. Mục tiêu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 42-43 tỷ USD sẽ khả thi. Nhưng chất lượng phân tích dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm cần được nâng cao. Chất lượng hàng hoá cần được chú trọng để tiếp tục nâng sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2018. Thủ tướng khẳng định, so với trước đây thì chưa bao giờ nông nghiệp phát triển toàn diện và đạt nhiều thành tựu như hiện nay. Thủ tướng đặc biệt biểu dương những quyết tâm trong đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, trọng tâm là các doanh nghiệp và người nông dân. Đặc biệt là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã "miệng nói tay làm, kề vai sát cánh cùng người nông dân, chỉ đạo phát triển ngành có uy tín và trách nhiệm".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tuy nhiên, Thủ tướng nhắc nhở, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, do vậy các bộ, ngành và địa phương cần báo cáo Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ các nút thắt có hiệu quả. Thủ tướng nêu câu hỏi, ngoài nút thắt về đất đai thì còn những nút thắt nào cần tháo gỡ và đề nghị các địa phương, nông dân, doanh nghiệp thẳng thắn đề cập, kiến nghị.
Đề cập tới các tồn tại như giá nông sản, đầu ra cho người nông dân, lợi nhuận từ sản xuất nông sản, xây dựng nông thôn mới..., Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, nhiệm vụ trong năm 2019 là tập trung tháo gỡ nút thắt, hướng tới xuất khẩu để năm 2019 tiếp tục vượt lên cao hơn năm 2018.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chuẩn bị tốt các điều kiện về tổ chức sản xuất, bảo đảm giá cả tốt cho bà con nông dân, không có hiện tượng giống giả, phân bón giả... Đặc biệt, về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ tướng cho rằng, một nền nông nghiệp "bẩn" thì không thể tồn tại được...

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để gỡ nút thắt cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, không chỉ xử lý vấn đề làm sao để 100 triệu dân có thực phẩm an toàn, đời sống nâng lên, nông dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, mà điều quan trọng là hướng vào xuất khẩu, nâng kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với năm 2018.

Theo: https://www.mard.gov.vn

Tin mới nhất