(WIP) - Ngày 5/10, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã có buổi làm việc với Đoàn đánh giá độc lập 2018 về Chương trình UN-REDD giai đoạn II.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn và Tiến sỹ Hans van Noord tại buổi làm việc
Chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng tại Việt Nam – Giai đoạn II” (gọi tắt là REDD+) do Na Uy tài trợ đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) và đại diện của các tổ chức Liên hợp quốc ký vào ngày 29 tháng 7 năm 2013.
Mục tiêu của Chương trình UN-REDD Việt Nam Giai đoạn II là nâng cao khả năng của Việt Nam để có thể hưởng lợi từ các khoản chi trả dựa trên kết quả cho REDD+ trong tương lai và thực hiện các thay đổi căn bản mới tích cực trong ngành lâm nghiệp. Theo đó, các hoạt động tập trung nhiều hơn vào việc thực hiện các chính sách và biện pháp đề xuất trong Kế hoạch Hành động REDD+ cấp tỉnh. Mục đích của các kế hoạch này để chứng minh rằng thực sự có thể đạt được mục tiêu cô lập và giảm phát thải khí nhà kính bằng cách can thiệp thiết thực, chỉnh sửa hay gia hạn những chương trình quốc gia có tác động đến độ che phủ rừng hay sinh khối rừng.
REDD+ được coi là một trong những sáng kiến quan trọng góp phần quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng thông qua các hoạt động bảo vệ diện tích rừng hiện có, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao độ che phủ và giá trị của rừng, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.
Sau khi nghe đánh giá của Tiến sỹ Hans van Noord về tiến độ thực hiện Chương trình năm 2018 và toàn bộ thời gian thực hiện chương trình từ 2013, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết: Trong năm 2018, Chương trình UN-REDD cơ bản đã tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã được Ban điều hành quốc tế và Bộ NN&PTNT phê duyệt. Thứ trưởng chỉ ra 3 thành công lớn của Chương trình, đó là: Nâng cao nhận thức của địa phương về REDD+; Hỗ trợ việc xây dựng thể chế sẵn sàng thực thi REDD+ tại Việt Nam; Chương trình có tác động tích cực đến hợp tác quốc tế ở khu vực sông Mê Kông và thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các yêu cầu của quốc tế, năng lực của các cơ quan Việt Nam đã được tăng cường đáng kể. Đó là năng lực về khoa học kỹ thuật, năng lực về tổ chức thực hiện và khả năng phối hợp liên ngành để giải quyết vấn đề mất rừng, suy thoái rừng một cách toàn diện trên cơ sở phân tích thấu đáo, có sự tham gia của các bên liên quan về các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng. REDD+ đã bước đầu tác động tích cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng và quá trình phát triển bền vững.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định: Việt Nam, trong đó có Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục duy trì những nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là thực hiện thành công Chương trình mục tiêu về phát triển lâm nghiệp bền vững, Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp và Chương trình quốc gia về REDD+.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn bày tỏ tin tưởng rằng những nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận nguồn lực Chi trả dựa trên kết quả. Với những kinh nghiệm trong Chi trả dịch vụ môi trường rừng, Việt Nam có đủ năng lực để tổ chức Chi trả dựa trên kết quả theo cơ chế của REDD+.
Theo: mard.gov.vn
Tin mới nhất