(WIP) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long tập trung rà soát, xây dựng phương án chủ động ứng phó với lũ.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, đóng góp phần lớn sản lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản. Trong những năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và từ việc khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn dẫn tới nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt ngày càng bất thường, khó kiểm soát.
Dự báo thời gian tới lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục lên và thời gian lũ ở mức cao còn kéo dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, chủ động triển khai các biện pháp hạn chế thiệt hại, đồng thời khai thác các mặt lợi của lũ.
Trong đó, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long tập trung rà soát, xây dựng phương án chủ động ứng phó với lũ với mức lũ cao nhất theo dự báo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng trẻ em, học sinh, tổ chức và quản lý các điểm trông trẻ tập trung, đưa đón học sinh, tổ chức giao thông an toàn trên sông nước, tổ chức các điểm cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ kịp thời khi sự cố, tai nạn xảy ra.
Đồng thời, các địa phương phải rà soát, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở ven sông, kênh, rạch, vùng bị ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn; rà soát tình hình đời sống của nhân dân, kịp thời hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn bị ngập lụt, không để hộ dân, người dân nào thiếu đói do lũ.
Đảm bảo chương trình học tập cho học sinh, quản lý, đưa đón học sinh đến trường an toàn, tổ chức học bù cho học sinh tại các vùng ngập lũ ảnh hưởng đến lịch học tập; tập trung bảo vệ công trình hạ tầng, các tuyến đê bao, bờ bao bảo vệ các khu dân cư, bảo vệ sản xuất. Các địa phương chủ động huy động lực lượng tại chỗ và sử dụng các nguồn lực của địa phương để bảo vệ các công trình hạ tầng và khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch có thể xảy ra khi nước rút; đảm bảo điều kiện y tế, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân, cung cấp nước sạch, xử lý môi trường, không để phát sinh dịch bệnh sau lũ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tăng cường dự báo, nhận định diễn biến lũ sát thực tế, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và nhân dân biết phục vụ chỉ đạo điều hành, ứng phó lũ.
Bộ Y tế chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo hoạt động y tế, khám chữa bệnh, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong thời gian ngập lũ và sau lũ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và chương trình học tập cho học sinh.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương ứng phó lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành có liên quan cần quán triệt, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017. Trong đó, các bộ, ngành chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng tái cấu trúc lại các ngành, lĩnh vực sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể, đặc điểm của vùng và từng địa phương để chủ động ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, rà soát lại các quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, nông thôn, hạ tầng, công nghiệp và quy hoạch bố trí lại dân cư để chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở ven sông, kênh, rạch, ven biển, khu vực ngập sâu. Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện theo quy hoạch, cân đối các nguồn lực, xác định tiến độ thực hiện quy hoạch và các dự án ưu tiên để từng bước đầu tư./.
Theo: http://baochinhphu.vn
Tin mới nhất