(WIP) - Đất vùng bán ngập là phần diện tích đất thuộc vùng lòng hồ thủy điện, thủy lợi nhưng không bị ngập nước thường xuyên, thời gian bị ngập nước trong năm tùy thuộc vào quy trình vận hành của từng hồ nhưng không quá sáu tháng, thời điểm ngập xác định được.
Đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi là một loại hình của đất ngập nước (wetland) được hình thành do quá trình điều tiết nước của các hồ chứa hàng năm. Do vậy đất bán ngập còn được hiểu vùng đất lòng hồ được giới hạn bởi mực nước tối đa trong mùa kiệt (cao trình tích nước cực đại) và mực nước tối đa trong mùa mưa (cao trình tích nước cực tiểu). Trong hệ sinh thái rừng, đất bán ngập là loại đất tiếp giáp với mực nước lòng hồ, là nơi kết thúc dòng chảy nước bề mặt, nước ngầm trong tuần hoàn nước của mái dốc đất. Đặc điểm đất bán ngập thường ở các dạng địa hình có độ dốc trên 15 %, đất bị rửa trôi, xói mòn, sạt lở, tầng đất mỏng, nghèo dinh dưỡng, thường xuyên bị sạt lở do kết cấu kém bền vững, ngập nước lâu, ít có thực vật che phủ.Với những đặc trưng như vậy, đất bán ngập có một vị trí quan trọng trong việcđiều tiết dòng chảy mặt, lũ lụt. Lượng nước giữ được trong đất, lượng nước bốc hơi, lượng nước ngầm chảy ra phụ thuộc vào đặc điểm đất bán ngập và hệ thực vật che phủ trên đất. Với sự hình thành hồ chứa nước thì các lớp thảm thực vật rừng ở vùng bán ngập bị chết vì không thích nghi với điều kiện ngập nước.
Đất bán ngập bị xói mòn, rửa trôi do khai thác rừng sản xuất hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế
Ở Việt Nam, diện tích đất bán ngập ở các vùng lòng hồ hàng chục nghìn ha, tiêu biểu đất vùng bán ngập các thủy điện như: Hòa Bình (21.000 ha), Sơn La (8.000 ha), Thác Bà tỉnh Yên Bái(23.400ha),Tả Trạch tỉnh Thừa Thiên Huế(1.000 ha),sông Hinh tỉnh Phú Yên(1.500ha), Yaly tỉnh Gia Lai(3.432 ha), Đa Nhim tỉnh Lâm Đồng(1.000 ha), Thác Mơ tỉnh Bình Phước(2.000 ha), Trị Antỉnh Đồng Nai(2.100 ha), …Cùng với sự hình thành các hồ chứa nước thì phần lớn lớp thảm thực vật rừng ở vùng bán ngập đã bị phá hủy do khai thác, những loài cây còn lại không thích nghi với điều kiện ngập nước nên tự đào thải.
Trong bối cảnh của hồ chứa nước ở Việt Nam nhiều hồ đã và đang bị xói mòn, rửa trôi, bồi lắng, xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng…Làm gì để tránh sự “già cỗi”, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước đang là vấn đề được quan tâm.
Đất bán ngập và hệ sinh thái rừng vùng lòng hồ sông Đà, tỉnh Hòa Bình
Thực trạng loại đất bán ngập chưa được nghiên cứu nhiều về đặc điểm đất cũng như các tương quan của thảm thực vật với tính chất của đất, việc phân chia dạng lập địa để lựa chọn loài cây trồng phù hợp ít được quan tâm ở Việt Nam. Các nghiên cứu tập trung ở lĩnh vực thử nghiệm, chọn loài phù hợp vùng đất bán ngập. Bước đầu các vùng đất bán ngập đã chọn được một hoặc hai loài thử nghiệm thành công như loài Tràm Úc (Melaleuca leucadendra) và một số loài Gáo thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Trồng rừng bán ngập là giải pháp chuyển dòng chảy mặt thành dòng chảy ngầm và lưu giữ nước trong đất. Giải pháp cho các vùng đất này cần tập trung các hướng nghiên cứu về thủy văn rừng, thủy văn công trình, đặc điểm đất bán ngập, thảm thực vật rừng…trên cơ sở đa ngành như lâm nghiệp, thủy lợi, sinh thái và kinh tế với các giải pháp khoa học kỹ thuật như giải pháp công trình thủy lợi, giải pháp kè sinh thái, giải pháp kỹ thuật lâm sinh: Chọn loài, mật độ, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng bán ngập./.
NCS. Đỗ Quý Mạnh
Trung tâm Sinh thái Bảo vệ hồ chứa nước
Tin mới nhất