(WIP) - Trong tháng 11/2017, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tổ chức khảo sát thực địa đợt 1 đề tài: “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020 do PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh là chủ nhiệm đề tài. Địa điểm khảo sát tại 7 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ bao gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Các thành viên trong nhóm thực địa đã tiến hành thu thập các tài liệu, số liệu về rừng ngập mặn và bãi bồi ven sông, ven biển, khu vực vịnh, đầm, phá... cụ thể như sau:
1. Thu thập các tài liệu liên quan đến diễn biến rừng ngập mặn và bãi bồi ven biển 7 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ từ năm 2005 đến 2016;
2. Thu thập chuỗi số liệu về nhiệt độ, lượng mưa, mức nước biển dâng, độ mặn của khu vực ven biển Nam Trung Bộ từ năm 1986 đến năm 2016;
3. Điều tra và phỏng vấn về dân sinh, kinh tế - xã hội của các địa phương có rừng ngập mặn tại khu vực, đặc biệt là vai trò của rừng ngập mặn với sinh kế của người dân;
4. Điều tra hiện trạng giống cây ngập mặn tại khu vực: vườn giống, rừng giống;
5. Điều tra, thu thập mẫu cây 2 loài Đước đôi (Rhizophora apiculataBlume, 1827) và Mắm biển (Avicennia marina (Forssk.) Vierh) phục vụ cho công tác nhân giống in vitro;
6. Lấy mẫu đất ngập mặn và động vật đáy khu vực liên quan đến rừng ngập mặn.
Đoàn nghiên cứu của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định
khảo sát, điều tra rừng ngập mặn
Trong quá trình khảo sát thực địa, đoàn đã phát hiện ra một loài Giáp xác chân đều là Sphaeroma terebrans Bate, 1866, thuộc họ Sphaeromatidae, bộ Chân đều (Isopoda) hại cây Bần trắng (Sonneratia alba J.Smith,1816) trên 3 tuổi với diện tích gây hại trên 10ha tại khu vực đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định. Đây là một kết quả ban đầu làm cơ sở khoa học để đưa ra biện pháp phòng trừ loài sinh vật hại cây ngập mặn trong khu vực.
Loài Sphaeroma terebrans Bate, 1866 hại cây Bần trắng (Sonneratia alba J.Smith, 1816)
Diện tích 10ha rừng Bần trắng (Sonneratia alba J.Smith, 1816) tại tỉnh Bình Định bị chết do loài
Giáp xác chân đều Sphaeroma terebrans Bate, 1866 gây hại
Đoàn cũng thu thập được mẫu lá cây Cóc đỏ (Lumnitzera littorea (Jack) Voigt, 1845) là một loài cây ngập mặn có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, phân hạng VU (Vulrerable), thuộc họ Bàng (Combretaceae), lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) tại khu vực rừng ngập mặn tỉnh Ninh Thuận để phục vụ việc bước đầu nghiên cứu nhân giống cây ngập mặn bằng công nghệ in vitro.
Khu vực rừng giống cây ngập mặn tại tỉnh Ninh Thuận, nơi có phân bố cây Cóc đỏ (Lumnitzera littorea (Jack) Voigt, 1845)
Lập ô tiêu chuẩn điều tra rừng sinh trưởng rừng ngập mặn tại tỉnh Bình Định
Chia sẻ và phỏng vấn về kinh tế - xã hội, sinh kế của người dân trong rừng ngập mặn
tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam
Một đặc trưng riêng của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ là hầu hết diện tích rừng ngập mặn được phân bố tại vùng cửa sông như sông Trường Giang, tỉnh Quảng Nam, sông Cà Ninh, tỉnh Quảng Ngãi, vùng đầm như đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, tỉnh Bình Định, đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên, đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa, đầm Nại, tỉnh Ninh Thuận, khu vực cửa sông Phan, tỉnh Bình Thuận...
Đây là kết quả bước đầu để phân tích, đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đến rừng ngập mặn, rừng giống, vườn giống cây ngập mặn, giải pháp nhân giống cây ngập mặn, tình hình sâu bệnh hại rừng ngập mặn khu vực ven biển Nam Trung Bộ, là cơ sở khoa học để xây dựng giải pháp khoa học công nghệ nhằm phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Người viết: NCS. Đỗ Quý Mạnh
Trung tâm Sinh thái Bảo vệ hồ chứa nước
Tin mới nhất