Vấn đề sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng và ngày một gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, giao thông, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển dân sinh, kinh tế, xã hội, môi trường và đặt ra bài toán khó cho các nhà quản lý.
Trong những năm qua, để giải quyết tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ bờ nhằm hạn chế những thiệt hại do sạt lở đối với tài sản và tính mạng của nhân dân. Một số hình thức gia cố bảo vệ bờ có quy mô kỹ thuật đã và đang được áp dụng trong các dự án đầu tư bằng kinh phí của Nhà nước như: (1) Kè đá đổ; (2) Kè đá xếp; (3) Thảm bê tông; (4) Rọ đá; (5) Tường cừ bê tông dự ứng lực; (6) Gia cố bờ bằng cọc xi măng đất, ... Tuy nhiên, các giải pháp này có nhược điểm như chi phí đầu tư cao, từ 30-100 triệu đồng/1m dài; quá trình thi công cần nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ; kết cấu công trình không thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, người dân các vùng ĐBSCL đã áp dụng những biện pháp công trình đơn giản hơn để bảo vệ bờ sông, kênh, rạch. Công trình chủ yếu được xây dựng bằng các loại vật liệu sẵn có ở địa phương như: (1) Công trình sử dụng các loại phên liếp (tre, cọc tràm, ...) chắn sóng bảo vệ bờ; (2) Trồng cây chống xói mòn, sạt lở đất; (3) Sử dụng các bao tải cát, đá hộc đổ kết hợp với cọc, cừ gỗ bảo vệ bờ, kinh phí xây dựng công trình khoảng từ 3-10 triệu đồng/1 m dài. Các giải pháp do người dân thực hiện đã khắc phục kịp thời tình hình sạt lở ở một số đoạn bờ sông, kênh, rạch, tuy nhiên, những giải pháp này dựa trên kinh nghiệm của người dân, chưa có những nghiên cứu hệ thống và đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, đặc biệt là trong việc phân chia lập địa khu vực bờ sông, lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa.
Hình 1. Hư hỏng kè mới xây tại sông Bảo Định, tỉnh Tiền Giang
Hình 2. Hư hỏng kè tại sông Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre
(Nguồn ảnh: https://bnews.vn, 2019)
Với thực trạng trên, việc nghiên cứu các giải pháp bảo vệ bờ theo hướng công trình mềm, sinh thái, thân thiện với môi trường là rất cần thiết. Các giải pháp cần đáp ứng các tiêu chí như công trình đảm bảo ổn định, có kết cấu nhẹ, giảm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian thi công và tận dụng tối đa vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, Viện sinh thái và Bảo vệ công trình đang triển khai đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu cơ sở khoa học và ứng dụng giải pháp sinh thái thủy lợi nhằm phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch khu vực Tây Nam sông Hậu" với cách tiếp cận dựa trên kỹ thuật sinh thái - thủy lợi nhằm phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch thì khu vực Tây Nam sông Hậu được nhìn nhận hệ thống này như một hệ sinh thái với các yếu tố môi trường vật lý chính là chế độ thủy động lực và quần xã sinh vật điển hình là thảm thực vật ven bờ tương tác với nhau. Khi đó giải pháp phòng, chống sạt lở dựa trên hệ sinh thái và chức năng bảo vệ của hệ sinh thái chính sẽ là: xây dựng hệ thảm thực vật ven bờ kết hợp giải pháp thủy lợi hỗ trợ sự phát triển của thảm thực vật cũng như gia tăng tính ổn định của vùng bờ. Nghiên cứu của đề tài này sẽ mở ra một hướng đi công trình mềm, sinh thái, thân thiện với môi trường, phù hợp hơn về giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch tại khu vực ĐBSCL - nơi mà tình hình sạt lở đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, khó lường như hiện nay.
Người viết: KS. Nguyễn Thị Thanh Loan
Trung tâm Sinh học Bảo vệ đê
Tin mới nhất