(WIP) - Ngày 02/8/2017, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tổ chức hội thảo khoa học: Cơ sở khoa học để xây dựng mô hình nuôi sá sùng khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận thuộc Nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu tổng thể sông Trường Giang và vùng phụ cận phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam” do TS. Nguyễn Quốc Huy là Chủ nhiệm đề tài.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản; Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản; Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển;...
Toàn cảnh hội thảo
Thư ký đề tài và các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài trình bày các nội dung liên quan đến cơ sở khoa học để xây dựng mô hình phục hồi hệ sinh thái, bao gồm các chuyên đề sau:
1. Cơ sở khoa học xây dựng mô hình hình kinh tế xanh khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận;
2. Cơ sở khoa học xây dựng mô hình nuôi Sá sùng tại bãi bồi ven sông Trường Giang;
3. Thiết kê mô hình nuôi Sá sùng tại bãi bồi ven sông Trường Giang.
Đây là các nội dung chính, làm cơ sở khoa học để xây dựng mô hình nuôi sá sùng tại sông Trường Giang.
TS. Ngô Xuân Nam trình bày báo cáo đề dẫn
Các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí cao với việc cần thiết phải nghiên cứu cơ sở khoa học để xây dựng mô hình nuôi Sá sùng khu vực sông Trường Giang và vùng phụ cận. Vùng cửa sông Trường Giang, tỉnh Quảng Nam có những điều kiện phù hợp cho việc nuôi sá sùng như nguồn nước và nền đáy chưa bị ô nhiễm, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú. Mô hình này có thể coi là mô hình kinh tế xanh vì mô hình khi thành công sẽ tạo ra nguồn sinh kế ổn định cho người dân, góp phần làm sạch môi trường nước và có thể nhân rộng trong tương lai.
Trong buổi hội thảo, các nhà khoa học đã góp ý và thảo luận: Cần xác định chính xác tên khoa học của loài Sá sùng trong mô hình; lựa chọn vị trí xây dựng mô hình cần lưu ý các đặc điểm về nền đáy, bùn, chế độ động lực, thủy triều; mật độ nuôi thả; thức ăn cho Sá sùng; thời gian và cách thức thu hoạch sá sùng.
PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh tổng kết hội thảo
Sau khi nghe các ý kiến của các nhà khoa học, các thành viên thực hiện đề tài, PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh tổng kết hội thảo: Chủ nhiệm đề tài và các thành viên thực hiện đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, định loại cụ thể Sá sùng ở huyện Núi Thành, bổ sung cơ sở khoa học làm rõ tập tính và ngưỡng sinh thái của Sá sùng, làm cơ sở để triển khai xây dựng mô hình trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Quốc Huy - Chủ nhiệm đề tài chân thành cảm ơn các ý kiến quý báu của các nhà khoa học đầu ngành và khẳng định đây là những vấn đề rất quan trọng để đề tài tiếp tục hoàn thiện cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện các nội dung chính của đề tài./.
KS. Nguyễn Nguyên Hằng
Trung tâm Sinh thái Bảo vệ hồ chứa nước
Tin mới nhất