(WIP) - Ngày 28/9/2018, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tổ chức hội thảo cơ sở khoa học để xây dựng mô hình trồng mới và nâng cao chất lượng rừng chắn gió, chắn cát bay, rừng ngập mặn khu vực ven biển tại tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Đề tài độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu giải pháp tổng hợp để phục hồi và phát triển bền vững rừng phòng hộ ven biển tỉnh Thanh Hóa” do Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình là đơn vị chủ trì thực hiện.
Tham dự hội thảo có đại diện cơ quan quản lý đề tài: Vụ phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương và Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Vụ phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và PTNT; về phía địa phương có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa, Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm Lâm thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, đại diện UBND các huyện ven biển như Hoằng Hóa, Nga Sơn, Tĩnh Gia ... cùng với các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu như: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp, trường Đại học Lâm nghiệp ...
Thay mặt đơn vị chủ trì thực hiện đề tài, PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phát biểu khai mạc hội thảo với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học để cho Viện hoàn thành tốt nhiệm vụ do Bộ Khoa học và Công nghệ giao.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phát biểu khai mạc hội thảo
Hội nghị đã nghe ThS Lê Văn Tuất - Chủ nhiệm đề tài trình bày giới thiệu chung về thuyết minh, tiến độ đề tài cũng như thuyết minh xây dựng mô hình trồng mới và nâng cao chất lượng rừng ngập mặn; NCS. ThS Đỗ Quý Mạnh - Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình báo cáo lựa chọn kỹ thuật lâm sinh để trồng mới và nâng cao chất lượng rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thanh Hóa và NCS. ThS Phạm Hữu Hùng - Trường Đại học Hồng Đức báo cáo lựa chọn kỹ thuật lâm sinh để trồng mới và nâng cao chất lượng rừng chắn gió, chắn cát bay ven biển tỉnh Thanh Hóa ...
Hội thảo đã nhận được các ý kiến nhận xét của đại biểu thuộc cơ quan quản lý và nhiều góp ý các nhà khoa học để bổ sung, hoàn thiện cơ sở khoa học thiết kế, xây dựng mô hình phục hồi rừng phòng hộ ven biển tỉnh Thanh Hóa đáp ứng mục tiêu của đề tài đặt ra.
TS. Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH và CNĐP - Bộ KH&CN phát biểu ý kiến
PGS.TS. Ngô Đình Quế - Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam phát biểu ý kiến
TS. Nguyễn Thế Hưởng - Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu ý kiến
TS. Nguyễn Đình Hải - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến
Tại buổi hội thảo, các nhà khoa học và quản lý đánh giá cao việc nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển tỉnh Thanh Hóa là việc làm cần thiết, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Nội dung nghiên cứu cần bổ sung đánh giá cụ thể hơn về các ưu, nhược điểm của các chương trình, dự án trồng mới và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ ven biển tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Đây là cơ sở khoa học để đưa ra các bài học kinh nghiệm trong việc lựa chọn loài cây, mùa vụ trồng, thiết kế chi tiết mô hình.
TS. Ngô Xuân Nam - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình tổng kết hội thảo
Sau khi nghe các ý kiến của các nhà khoa học, của đơn vị quản lý đề tài, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình tổng kết hội thảo: Chủ nhiệm đề tài và các thành viên thực hiện đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý, bổ sung, làm rõ cơ sở khoa học để thiết kế xây dựng mô hình trồng mới và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ ven biển tỉnh Thanh Hóa, làm cơ sở để triển khai xây dựng mô hình trong thời gian tới. Đồng thời cảm ơn các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện địa phương đã quan tâm đến dự và góp ý cho đề tài./.
Người viết: Nguyễn Nguyên Hằng
Trung tâm Sinh thái Bảo vệ hồ chứa nước
Tin mới nhất