TextBody
, 09/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Hội thảo khoa học lần thứ nhất đề tài: Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

18/09/2017

(WIP) - Ngày 18/9/2017, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tổ chức hội thảo khoa học lần thứ nhất đề tài: “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020 do PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh là Chủ nhiệm đề tài.

Tham dự hội thảo có đại diện của đơn vị quản lý đề tài Văn phòng Chương trình KH & CN cấp quốc gia về tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, sự hiện diện của các đại biểu địa phương như Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định. Sự tham dự của các phóng viên đến tư các cơ quan truyền thông như: VTV1 Đài truyền hình Việt Nam, Tạp chí Môi trường, Tổng cục Môi trường.

PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh khai mạc hội thảo

Các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài đã trình bày các nội dung về giới thiệu đề tài, thảo luận về phương pháp nghiên cứu thực trạng và giải pháp trồng rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bao gồm các báo cáo sau:

1. Giới thiệu chung và kế hoạch triển khai đề tài;

2. Phương pháp nghiên cứu hiện trạng rừng và tác động của biến đổi khí hậu đến rừng ngập mặn;

3. Phương pháp đánh giá đa dạng di truyền nguồn gen và thử nghiệm nhân nhanh (invitro) một số loài cây ngập mặn;

4. Thực trạng và giải pháp trồng rừng ngập mặn tỉnh Bình Định (kinh nghiệm từ địa phương);

5. Phương pháp xây dựng mô hình trồng và chăm sóc rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ.

GS.TSKH. Nguyễn Đức Ngữ phát biểu ý kiến về biến đổi khí hậu tác động đến rừng ngập mặn

 

 Trong buổi hội thảo, các nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý đề tài, các đơn vị địa phương đã góp ý và thảo luận: Về nội dung biến đổi khí hậu tác động đến rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ phải đảm bảo tính đồng bộ, nêu khái niệm về “nguy cơ”, “khả năng tổn thương”, thích ứng khi nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Về đánh giá diễn biến rừng ngập mặn trong quá khứ và hiện tại để xác định nguyên nhân tăng, giảm và để xuất các giải pháp để ứng phó. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu theo hướng tích cực và tiêu cực. Về lĩnh vực di truyền, việc xác định loài, chọn cây trội (cây mẹ) cần sử dụng tiêu chí  chọn cây ngập mặn với yêu cầu loài thích ứng với độ mặn cao, tính chịu ngập của cây ngập mặn đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để nghiên cứu chọn giống trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Về lĩnh vực trồng rừng tập trung nghiên cứu lập địa, thời vụ trồng, có các phương pháp trồng rừng cụ thể với từng kỹ thuật, chọn loài phù hợp sinh thái, giải pháp tường mềm cụ thể cho từng đối tượng lập địa, chăm sóc rừng ngập mặn là yếu tố quan trọng trong công tác trồng rừng.

PGS.TS. Ngô Đình Quế phát biểu ý kiến về điều tra rừng ngập mặn và xây dựng mô hình trồng, chăm sóc rừng ngập mặn

Sau khi nghe các ý kiến của các nhà khoa học, của đơn vị quản lý đề tài, của đơn vị địa phương, PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh tổng kết hội thảo: nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, bổ sung cơ sở khoa học về  điều tra cây ngập mặn, về công tác nhân giống cây ngập mặn và phương pháp xây dựng mô hình trồng, chăm sóc cây ngập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

ThS. Lưu Đức Dũng, đại diện Văn phòng Chương trình KH & CN cấp quốc gia về tài nguyên môi trường và BĐKH, cơ quan quản lý đề tài phát biểu ý kiến

ThS. Phan Văn Phu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thông tin Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến

PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đầu ngành về các lĩnh vực của đề tài và đây là những vấn đề rất quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thiện và triển khai các công việc nghiên cứu tiếp theo kế hoạch của đề tài./.

NCS. Đỗ Quý Mạnh

Trung tâm Sinh thái Bảo vệ hồ chứa nước

Bài viết khác

Tin mới nhất