TextBody
, 05/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Hội thảo khoa học lần thứ nhất đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình sinh thái bền vững trên vùng triều ven biển đồng bằng sông Cửu Long”

24/09/2019

(WIP) - Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Rừng ngập mặn, đất ngập mặn, vùng nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long là một loại hình đất ngập nước ven biển có năng suất sinh học cao, có vai trò to lớn về môi trường và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội. Các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi bồi và cửa sông là nơi bảo tồn tính đa dạng sinh học, cung cấp môi trường sống và thức ăn cho các loài động, thực vật, tạo sinh kế cho người dân cũng như cung cấp nguồn lợi thủy sản, lâm sản, là nơi tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ khác

Ngày 26 tháng 6 năm 2018, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tổ chức hội thảo khoa học lần thứ nhất đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình sinh thái bền vững trên vùng triều ven biển đồng bằng sông Cửu Long” là đề tài độc lập cấp Quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Hoàng Hanh làm Chủ nhiệm đề tài.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phát biểu khai mạc hội thảo 

Tham dự hội thảo có đại diện của đơn vị quản lý đề tài, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Ban lãnh đạo và lãnh đạo các Ban chức năng của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu như: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Viện Nghiên cứu Lâm sinh và Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại hội thảo 

Các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài đã trình bày các báo cáo:

1. Hiện trạng các hệ sinh thái tự nhiên vùng triều ven biển đồng bằng sông Cửu Long;

2. Hiện trạng nuôi trồng thủy sản ở các mô hình sinh thái vùng triều ven biển đồng bằng sông Cửu Long;

3. Cơ sở khoa học lựa chọn loài nuôi trong mô hình sinh thái vùng triều ven biển đồng bằng sông Cửu Long;

4. Xây dựng nhóm tiêu chí để đánh giá các mô hình sinh thái vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long.

Trong buổi hội thảo, các nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý đề tài, đã góp ý và thảo luận:

Về nội dung đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rất quan trọng, cần xác định rõ ranh giới thực địa của 3 hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và cửa sông. Dữ liệu cần phân tích và bình luận số liệu hiện trạng rừng ngập mặn, diện tích có rừng và đất trống bãi bồi. Bổ sung về đánh giá chất lượng, tình hình sinh trưởng và phát triển của rừng ngập mặn. Về hiện trạng nuôi trồng thủy sản cần bố cục theo 3 hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực nghiên cứu, cần xem xét bổ sung đánh giá về kiến thức bản địa của người dân trong khu vực nuôi trồng thủy sản. Về cơ sở khoa học lựa chọn loài nuôi phải dựa trên nguyên tắc điều tra trên hệ sinh thái, đánh giá lựa chọn loài nuôi có giá trị kinh tế, đặc biệt loài nuôi có giá trị bảo tồn và phải xem xét môi trường nuôi trong rừng ngập mặn. Về nhóm tiêu chí để đánh giá mô hình cần lượng hóa các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, nhóm tiêu chí môi trường gộp các thông số chất lượng nước biển vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và các thông số trầm tích theo quy chuẩn Việt Nam hiện hành áp dụng, bổ sung các thông số mới. Bổ sung các nhóm tiêu chí về giám sát và cơ chế chia sẻ lợi ích trong quá trình thực hiện.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Huấn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên góp ý về tiêu chí xây dựng mô hình

PGS.TS. Trần Văn Thụy, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên góp ý về điều tra rừng ngập mặn và cơ sở khoa học chọn loài để xây dựng mô hình 

Ông Nguyễn Hữu Ngữ, đại diện Vụ KH & CN các ngành kinh tế - kỹ thuật - Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến 

Sau khi nghe các ý kiến của các nhà khoa học, của đơn vị quản lý đề tài, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình tổng kết hội thảo: nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, bổ sung cơ sở khoa học về điều tra cây ngập mặn, điều tra và bổ sung lựa chọn loài để nuôi trồng thủy sản và phương pháp xây dựng mô hình sinh thái bền vững vùng triều. Đặc biệt các nhóm tiêu chí để đánh giá mô hình cần được lượng hóa cụ thể, theo định hướng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

TS. Ngô Xuân Nam chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đầu ngành về các lĩnh vực của đề tài và đây là những vấn đề rất quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thiện và triển khai các công việc nghiên cứu tiếp theo kế hoạch của đề tài.

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

Người viết: NCS. Đỗ Quý Mạnh
Trung tâm Sinh học Bảo vệ đê

Bài viết khác

Tin mới nhất