(WIP) - Ngày 20/9/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nhiệm thu kết quả thực hiện Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, đề xuất và xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp sinh thái, thủy lợi nhằm bảo tồn gắn với phát triển bền vững Khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam”, Mã số ĐTĐL.CN-11/16 do Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện.
Ông Nguyễn Phú Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại cuộc họp
PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phát biểu ý kiến
Báo cáo trước Hội đồng, thay mặt nhóm thực hiện, TS. Ngô Xuân Nam - Chủ nhiệm Đề tài cho biết khu di tích Mỹ Sơn nằm ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được quy hoạch bảo tồn có tổng diện tích: 1.158 ha, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Champa chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Khu di tích Mỹ Sơn không chỉ mang đậm nét kiến trúc riêng biệt mà nơi đây còn mang đậm nét văn hóa của người Chăm, là chỗ dựa tinh thần của người Chăm xưa, đồng thời đây cũng là công trình nghệ thuật độc đáo có giá trị của nhân loại.
Tuy nhiên do tác động của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, khu di tích Mỹ Sơn đang dần bị xuống cấp. Từ trước đến nay, các công trình nghiên cứu nhằm bảo tồn Khu di tích Mỹ Sơn còn chưa nhiều, phần lớn chỉ tập trung nghiên cứu bảo tồn trực tiếp đến công trình kiến trúc và phòng trừ thực vật gây hại. Các công trình nghiên cứu liên quan đến phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn chung thì chưa được quan tâm nghiên cứu.
TS. Ngô Xuân Nam, chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài
Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá được thực trạng thủy văn, khí hậu, thời tiết, đa dạng sinh học (đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái) Khu di tích Mỹ Sơn; Đề xuất và xây dựng được mô hình ứng dụng các giải pháp sinh thái, thủy lợi nhằm bảo tồn gắn với phát triển bền vững Khu di tích Mỹ Sơn.
Qua khảo sát, nghiên cứu từ năm 2016-2019 tại khu di tích Mỹ Sơn, đề tài đã đạt được một số kết quả chính có thể kể đến như xác định được xác định được hiện trạng thủy văn, đặc điểm địa chất, địa hình, địa mạo của khu di tích Mỹ Sơn; đã xác định được hiện trạng đa dạng sinh học và nguyên nhân suy giảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái tại khu di tích Mỹ Sơn. Đề tài đã đề xuất và ứng dụng giải pháp sinh thái, thủy lợi để phục hồi hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái suối, đồng thời đã xây dựng được 01 mô hình phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái trên cạn tại khu vực rừng đầu nguồn, 01 mô hình phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái suối để bảo vệ bờ suối Khe Thẻ và 01 mô hình bảo tồn khu di tích Mỹ Sơn dựa vào cộng đồng.
Ngoài ra, đề tài còn góp góp phần đào tạo 01 tiến sĩ, hoàn thành việc đào tạo 5 thạc sĩ; Đề tài đã công bố 6 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, trong đó 01 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có chỉ số Scopus.
GS.TSKH. Vũ Quang Côn – Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Chủ tịch Hội đồng kết luận tại cuộc họp
Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài trả lời một số câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng, thay mặt Hội đồng, GS.TSKH. Vũ Quang Côn kết luận: Đây là một đề tài lớn, có nhiều nội dung nghiên cứu, đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đề tài đã thực hiện đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo thuyết minh đã được duyệt. Hồ sơ nhiệm vụ chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy định; các báo cáo khoa học, mô hình và các bài báo có nội dung phong phú, chất lượng tốt; phương pháp nghiên cứu đúng và phù hợp với nội dung nghiên cứu; kết quả nghiên cứu đầy đủ những nội dung đã đặt ra và một số kết quả có thể chuyển giao ngay cho địa phương. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài và nhóm thực hiện Đề tài chỉnh sửa báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, lỗi chính tả, phần tổng quan, kết luận, kiến nghị, tài liệu tham khảo; bổ sung các thông tin mô tả về hội nghị tập huấn.
Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt.
Một số hình ảnh khác tại cuộc họp
GS.TS. Nguyễn Văn Đĩnh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng - Tổ trưởng tổ chuyên gia báo cáo kết quả thẩm định, kiểm tra mô hình
GS.TSKH. Vũ Quang Mạnh – Đại học Sư phạm Hà Nội, ủy viên hội đồng phát biểu ý kiến
PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Trường Đại học Lâm nghiệp, ủy viên hội đồng phát biểu ý kiến
PGS.TS. Đặng Văn Bài – Hội Di sản văn hóa, ủy viên hội đồng phát biểu ý kiến
Tin mới nhất