TextBody
, 05/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Họp Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp gây bồi, tạo bãi để trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển tại các bãi triều ngập sâu các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau”

20/01/2020

(WIP) - Ngày 17/01/2020, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu giải pháp gây bồi, tạo bãi để trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển tại các bãi triều ngập sâu các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau” do TS. Mai Cao Trí làm chủ nhiệm, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình là đơn vị chủ trì đề tài.

Thành phần Hội đồng nghiệm thu có ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Chủ tịch, ông Lê Quang Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Phó Chủ tịch, PGS.TS. Phạm Đức Tuấn, Chuyên gia độc lập – Phản biện 1, PGS.TS. Nguyễn Khắc Nghĩa, Chuyên gia độc lập – Phản biện 2, ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu - Ủy viên, ông Lê Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Ủy viên và TS. Trịnh Tuấn Long – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Thư ký.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng ban Ban Kế hoạch, tổng hợp.  Về phía Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình có ThS. Phạm Văn Động - Phó Viện trưởng, ThS. Nguyễn Đăng Dũng – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, và nhóm thực hiện đề tài.

TS. Mai Cao Trí báo cáo kết quả thực hiện đề tài

Báo cáo trước Hội đồng, thay mặt nhóm thực hiện, TS. Mai Cao Trí - Chủ nhiệm Đề tài cho biết xói lở và bồi tự bờ biển là quá trình tự nhiên, phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, hiện tượng xói lở phổ biến ở biển Đông và biển Tây từ Tiền Giang đến Cà Mau làm đai rừng ngập mặn ven biển ngày càng suy giảm. Đây đã trở thành vấn đề cấp bách không chỉ các tỉnh thành mà còn được cả Chính phủ quan tâm. Nhiều giải pháp phòng chống xói lở bờ biển đã được nghiên cứu và sử dụng. Trong thời gian qua, khoa học và kỹ thuật về gây bồi, trồng cây bảo vệ bờ đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đến nay vẫn chưa có quy trình kỹ thuật trồng được cây ngập mặn chắn sóng ở cao trình bãi sâu đến -0,4m. Các dự án công trình bê tông cốt thép đã và đang được thực hiện với nguồn kinh phí lớn nhưng chưa hiệu quả.

Trước thực tiễn cấp bách nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đặt hàng và Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình được giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp gây bồi, tạo bãi để trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển tại các bãi triều ngập sâu các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau”, TS. Mai Cao Trí cho biết.

Mục tiêu của đề tài là xây dựng được giải pháp kỹ thuật gây bồi, tạo bãi và trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển tại các bãi triều có cao trình bãi từ -0,5m đến -1,0m tại tuyến cách đường bờ hiện trạng 150m (T150) ở các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau; Có được giải pháp kỹ thuật tường mềm gây bồi bằng vật liệu địa phương gây bồi nâng cao thêm tối thiểu 30cm so với nền bãi cũ đạt yêu cầu để trồng đai cây ngập mặn; Có được công nghệ trồng đai cây ngập mặn chắn sóng tại các bãi mới gây bồi ở khu vực nghiên cứu đạt tỷ lệ sống trên 75%.

Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu từ năm 2016 – 2019, đề tài đã cho thấy một cái nhìn tổng quan về hiện trạng xói lở - bồi tụ ở các bãi triều ngập sâu các tỉnh từ Tiền Giang và đã xây dựng được giải pháp kỹ thuật gây bồi, tạo bãi và trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển tại các bãi triều có cao trình bãi từ -0,5 đến -1,0m tại tuyến cách đường bờ hiện trạng 150m.

Đề tài đã tổng hợp, đánh giá các loại vật liệu khác nhau, trên cơ sở các nghiên cứu và thí nghiệm đã lựa chọn vật liệu gồm cọc tre, bó cành cây được liên kết với nhau bởi nẹp ngang và nẹp dọc phù hợp làm tường mềm gây bồi, giúp nâng cao trình bãi tối thiểu thêm 30cm so với nền bãi cũ. Kết cấu tường mềm là 2 hàng cọc tre, ở giữa bỏ các bó cành cây với chiều cao 1,8m, chiều rộng 0,6m với mật độ 12 cọc/m bao quanh phạm vi trồng cây cho thấy hiệu quả giảm sóng, gây bồi tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở các bãi triều ngập sâu các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau.

Đã đưa ra được công nghệ trồng đai cây ngập mặn chắn sóng tại các bãi mới gây bồi ở các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau đạt tỷ lệ sống trên 75%. Trong đó loài cây ngập mặn được lựa chọn là cây Mắm biển trên 12 tháng tuổi, mật độ trồng 4.444 cây/ha, được cố định bằng 3 cọc cho khả năng sinh trưởng và phát triển tốt nhất.

Xây dựng được 01 mô hình công trình nâng bãi và trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê biển, bờ biển với quy mô 3,0 ha.

Xây dựng được 02 quy trình công nghệ gồm Quy trình công nghệ xây dựng công trình gây bồi, tạo bãi để trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê biển, bờ biển và Quy trình công nghệ trồng cây ngập mặn trên bãi mới gây bồi.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã hoàn thành việc đào tạo 01 thạc sĩ, góp phần đào tạo 02 tiến sĩ (vượt kế hoạch 01 tiến sĩ); Xuất bản 02 bài báo trên tạp chí chuyên ngành.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch hội đồng phát biểu kết luận tại cuộc họp

Sau khi nghe nhận xét của các thành viên trong Hội đồng, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục Phòng, chống thiên tai, chủ tịch Hội đồng kết luận:  Đây là một đề tài có ý nghĩa thực tiễn to lớn, đóng góp cơ sở khoa học và thực tiễn trong lĩnh vực gây bồi, chống xói lở, trồng cây ngập mặn bảo vệ bờ cho Việt Nam, chủ nhiệm Đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đề tài đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học theo đề cương đã được duyệt; hồ sơ nhiệm vụ chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy định.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài và nhóm thực hiện đề tài sửa các lỗi chính tả trong báo cáo, bổ sung phần kết luận cho đầy đủ các kết quả đã thực hiện, chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt.

Một số hình ảnh tại cuộc họp

PGS.TS. Phạm Đức Tuấn, chuyên gia độc lập - phản biện 1 phát biểu tại cuộc họp

PGS.TS. Nguyễn Khắc Nghĩa, chuyên gia độc lập - phản biện 2 phát biểu tại cuộc họp

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu - Ủy viên hội đồng phát biểu tại cuộc họp

Ông Lê Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Ủy viên hội đồng phát biểu tại cuộc họp

TS. Trịnh Tuấn Long, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam - Thư ký hội đồng phát biểu tại cuộc họp

TS. Lê Quang Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN & HTQT, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Phó chủ tịch Hội đồng phát biểu tại cuộc họp

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Đê điều, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp

Người viết: ThS. Trần Thị Lợi
Phòng Kế hoạch, Tài chính

Bài viết khác

Tin mới nhất