TextBody
, 23/11/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Kết quả áp dụng giải pháp mềm bảo vệ bờ vùng cửa sông, ven biển bán đảo Cà Mau

12/01/2022

Khu vực Bán đảo Cà Mau có khoảng hơn 400km đường bờ biển, trải dài trên các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau và một phần của tỉnh Kiên Giang. Khu vực ven biển có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, đặc biệt là phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, khu vực ven biển tại khu vực này cũng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hiện tượng xói lở bờ biển, mất rừng ngập mặn là vấn đề vô cùng nghiêm trọng và bức xúc của tỉnh hiện nay. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có 150 km chiều dài bờ biển bị sạt lở với mức độ sạt lở từ 20 - 50 m/năm.

Để ứng phó với tình hình xói lở bờ biển, mất rừng ngập mặn đang diễn ra, trong những năm qua tỉnh Cà Mau và các địa phương khác trong khu vực bán đảo Cà Mau đã áp dụng một số giải pháp nhằm hạn chế và giảm thiểu các thiệt hại do xói lở gây ra như: Công trình kè bê tông ly tâm, đê trụ rỗng, tường mềm bằng các hàng cọc tre và bỏ bó lấp nhét giữa các hàng cọc. Những giải pháp này đã bước đầu mang lại kết quả tích cực trong việc phòng chống xói lở. Tuy nhiên, với đặc điểm địa chất khu vực Bán đảo Cà Mau chủ yếu là nền đất phù sa cổ, đặc tính mềm yếu, khả năng chịu lực thấp. Cần phải nghiên cứu được giải pháp mềm để gây bồi, hạn chế xói lở và hỗ trợ phục hồi hệ sinh thái ven biển là rất cần thiết đổi với các địa phương tại khu vực Bán đảo Cà Mau. Kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu giải pháp mềm bảo vệ bờ vùng cửa sông, ven biển Bán đảo Cà Mau” đã lựa chọn được giải pháp phù hợp để áp dụng bảo vệ bờ cho các khu vực cửa sông ven biển có điều kiện tự nhiên khác nhau tại khu vực nghiên cứu và lựa chọn vị trí xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau để triển khai mô hình thử nghiệm.

Mô hình giải pháp mềm bảo vệ bờ khu vực cửa sông ven biển được áp dụng với chiều dài tuyến bảo vệ 500m và trồng phục hồi 2,5ha cây ngập mặn. Kết quả theo dõi, đánh giá mô hình thử nghiệm sau 9 tháng cho thấy giải pháp đề tài đã nghiên cứu bước đầu đã phát huy vai trò giảm sóng, gây bồi và chống xói lở. Tường mềm đã xây dựng hỗ trợ để cây ngập mặn tránh khỏi tác động bất lợi của điều kiện tự nhiên. Cây ngập mặn trồng phía trong công trình mềm đạt tỷ lệ sống trung bình là 85%, chiều cao cây Mắm biển trung bình đạt 1,3m, cây Mắm biển đã hình thành hệ thống rễ thở để có thể thích nghi với điều kiện thể nền phù sa mềm yếu. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để các địa phương khu vực Bán đảo Cà Mau triển khai áp dụng trên quy mô lớn trong việc bảo vệ bờ khu vực cửa sông ven biển sử dụng giải pháp mềm, thân thiện với môi trường.

Thiết kế chi tiết tường mềm giảm sóng bảo vệ bờ khu vực cửa sông ven biển

 Mô hình giải pháp mềm giảm sóng bảo vệ bờ khu vực cửa sông ven biển

(a-vị trí mô hình trước khi xây dựng, b-Mô hình khi xây dựng hoàn chỉnh, c-Mô hình sau khi xây dựng 9 tháng)

             Người viết: ThS. Mai Trọng Luân

Trung tâm Sinh thái Bảo vệ hồ chứa nước

Bài viết khác

Tin mới nhất