(WIP) - Để đảm bảo an toàn cho cho các hệ thống đê, đặc biệt trong mùa mưa lũ thì công tác xác định ẩn họa trong thân và nền đê là rất quan trọng. Những ẩn họa thường trực trong đê như hang rỗng, vùng thấm, khe nứt, những bất đồng nhất theo độ chặt…có thể gây ra hiện tượng sụt, lún, vỡ đê bất kỳ lúc nào.
Thực hiện nhiệm vụ khảo sát, đánh giá hiện trạng đê bằng phương pháp điện đa cực, rađa đất phục vụ công tác quản lý, duy tu đê điều,từ ngày 21/11/2017 đến ngày 20/12/2017, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tiến hành sử dụng các phương pháp địa vật lý để đo khảo sát hiện trạng đê. Cụ thể như sau:
Khảo sát, phát hiện hang rỗng thân đê bằng phương pháp rada đất, sử dụng máy SIR-30 và ăng ten 80 Mhz, 100Mhz. Khảo sát phát hiện vùng thấm và bất đồng nhất theo độ chặt bằng phương pháp điện đa cực hệ cực Wenner và khảo sát phát hiện khe nứt bằng phương pháp điện đa cực hệ cực Dipole-Dipole trên 04 đoạn đê thuộc địa bàn huyện Yên Phong, huyện Lương Tài,tỉnh Bắc Ninh; huyện Thanh Trì và quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Nguyên lý hoạt động của phương pháp Rađa đất
Phương pháp rada đất là một phương pháp địa vật lý hoạt động dựa trên nguyên lý của sự lan truyền sóng điện từ trong môi trường đất đá. Khi ăng ten phát sóng điện từ với tần số cao, sóng này lan truyền xuống bên dưới môi trường, gặp các mặt ranh giới vật chất có hằng số điện môi khác nhau thì sẽ phản xạ, tán xạ hoặc khúc xạ. Sóng phản xạ sẽ được ăng ten thu lại. Kết quả xử lý số liệu cho thấy hình ảnh tín hiệu sóng phản xạ sẽ thể hiện được thông tin địa chất bên dưới môi trường.
Nguyên lý hoạt động của phương pháp điện đa cực
Phương pháp điện đa cực là phương pháp địa vật lý nghiên cứu sự thay đổi điện trở suất của môi trường theo cả 2 hướng thẳng đứng và nằm ngang, cho phép giải quyết các bài toán địa chất 2D và 3D phức tạp với độ phân giải cao. Thiết bị điện đa cực thu thập tín hiệu thông qua hệ cực có nhiệm vụ phát dòng và thu hiệu điện thế. Từ số liệu thu thập được, ta có thể xác định được điện trở suất của môi trường cần nghiên cứu.
Khảo sát xác định hang rỗng trong thân đê bằng rađa đất với ăng ten tần số 100Mhz tại K30+000 đê hữu Cầu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh
Khảo sát xác định hang rỗng trong thân đê bằng rada đất với ăng ten tần số 80Mhz tại K30+200 đê hữu Cầu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh
Khảo sát xác định vùng thấm và bất đồng nhất theo độ chặt bằng thiết bị điện đa cực tại K20+000, đê hữu Thái Bình, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh
Với thiết bị máy móc hiện đại và các chuyên gia, kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, chuyến đi khảo sát đã hoàn thành yêu cầu kế hoạch đề ra. Toàn bộ số liệu thu thập sẽ được phân tích, xử lý và đưa ra kết quả, đề xuất, làm cơ sở để cơ quan quản lý có giải pháp đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình vận hành.
Người viết: KS. Phạm Lê Hoàng Linh
Phòng Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý
Tin mới nhất