TextBody
, 22/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Khảo sát dò tìm công trình ngầm tại đường Tôn Thất Đàm, Thành phố Hà Nội

31/12/2021

(WIP) – Hiện nay, các công trình cơ sở hạ tầng bên trong khu đô thị đang được đầu tư xây dựng với quy mô lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước khi tiến hành thi công các công trình này, việc xác định các hệ thống cáp ngầm, đường ống nước,.. bên trong khu vực công trường là rất quan trọng để tránh xảy ra sự cố và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra. Các công trình ngầm thường tạo ra sự khác biệt lớn về vận tốc truyền sóng điện từ so với môi trường xung quanh, ví dụ: khoang rỗng bên trong các đường ống nước, đường ống chứa cáp, hầm ngầm; vật liệu kim loại cấu thành đường ống hoặc lõi của đường dây điện… Sự khác biệt về vận tốc truyền sóng điện từ này có thể được phát hiện bằng phương pháp Radar đất. Vì vậy, phương pháp Radar đất đã bước đầu được áp dụng nhằm định vị và xác định sự kéo dài trong không gian của hệ thống cáp ngầm, dây điện ngầm, đường ống nước cũng như những công trình ngầm khác, phục vụ công tác quản lý xây dựng đô thị.
Thực hiện nhiệm vụ đặt hàng của Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tiến hành khảo sát dò tìm công trình ngầm bằng công nghệ Radar đất trên đường Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Khu vực khảo sát tại đường Tôn Thất Đàm có chiều dài là 11,5m, chiều rộng 4m. 05 tuyến khảo sát TN1-TN5 được bố trí dọc theo chiều dài khu vực khảo sát, mỗi tuyến có chiều dài 11,5m, khoảng cách giữa các tuyến là 1m. 06 tuyến khảo sát TD1-TD6 được bố trí dọc theo chiều rộng khu vực khảo sát, mỗi tuyến có chiều dài 4m, khoảng cách giữa các tuyến là 2,3m. Các tuyến TN1-TN5 có nhiệm vụ phát hiện các hệ thống công trình ngầm có phương phát triển song song với tuyến tim đường, các tuyến TD1-TD6 có nhiệm vụ phát hiện các hệ thống công trình ngầm có phương phát triển vuông góc với tuyến tim đường. Sơ họa bố trí tuyến khảo sát được thể hiện ở Hình 1.

Hình 1: Sơ họa bố trí tuyến khảo sát

Mặt cắt Radar đất tại tuyến TN1 (Hình 2) thể hiện 01 khu vực dị thường có biên độ sóng điện từ phản xạ lớn từ mét thứ 3 đến mét thứ 5 trên tuyến khảo sát. Dị thường này được minh giải là hệ thống đường hố ga ngầm có phương phát triển song song với tuyến tim đường Tôn Thất Đàm, nằm ở độ sâu 0,5m. Mặt bằng kết quả khảo sát phát hiện công trình ngầm tại khu vực khảo sát được thể hiện ở Hình 3.

Hình 2: Mặt cắt Radar tại tuyến TN1

Hình 3: Sơ họa mặt bằng kết quả khảo sát phát hiện công trình ngầm tại khu vực khảo sát đường Tôn Thất Đàm

Kết quả khảo sát cho thấy phương pháp Radar đất là phương pháp thăm dò không phá hủy phù hợp cho các khảo sát dò tìm công trình ngầm trong đô thị./.

Người viết: KS. Phạm Lê Hoàng Linh

Phòng Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý

 

Bài viết khác

Tin mới nhất