(WIP) - Để chuẩn bị cho công tác nghiệm thu kết thúc đề tài, trong thời gian từ ngày 26-28/7/2019, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) đã đi kiểm tra mô hình thuộc đề tài KH&CN độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu tổng thể sông Trường Giang và vùng phụ cận phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam” do PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm chủ nhiệm.
Đoàn công tác đi kiểm tra mô hình
Thành phần đoàn kiểm tra có các đại diện đến từ cơ quan quản lý đề tài: Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, đại diện từ Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước thuộc Bộ KH&CN cùng với tổ chuyên gia tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài. Tham gia và đón tiếp đoàn công tác, về phía đơn vị chủ trì thực hiện có PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình - Chủ nhiệm đề tài cùng với đơn vị phối hợp thực hiện đề tài có PGS.TS. Vũ Thị Phương Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam và đại diện chính quyền địa phương nơi thực hiện mô hình.
Mô hình trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn
Đoàn công tác kiểm tra mô hình trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn
Chương trình làm việc có hai nội dung chính: trao đổi ý kiến và thảo luận về kết quả thực hiện mô hình đã đạt được; sự phối hợp, tham gia của chính quyền và người dân địa phương trong quá trình xây dựng mô hình; thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ mô hình; khả năng nhân rộng mô hình cho các khu vực lân cận; một số công việc cần triển khai trong thời gian tới,… và kiểm tra kết quả thực hiện 02 mô hình của đề tài là mô hình trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn và mô hình nuôi sá sùng (trùn biển).
Đoàn công tác kiểm tra mô hình nuôi sá sùng
Kết thúc đợt kiểm tra, đoàn công tác của Bộ KH&CN đã đánh giá cao kết quả thực hiện mô hình của đơn vị chủ trì đề tài. Hai mô hình đã thực hiện đáp ứng được yêu cầu về khối lượng, chất lượng và tiến độ triển khai theo thuyết minh đề tài được duyệt. Đoàn công tác cũng đề nghị đơn vị chủ trì tiếp tục phối hợp tốt với chính quyền địa phương để quản lý mô hình sau khi nghiệm thu kết thúc đề tài; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân tại địa phương trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi sá sùng và rừng ngập mặn; giải pháp nhân rộng mô hình nhằm đem lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng./.
Người viết: Nguyễn Phương Trà
Phòng Tổ chức, Hành chính
Tin mới nhất