TextBody
, 07/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Kiến bảo vệ và bón phân cho lá - cộng sinh giữa kiến dệt lá Oecophylla smaragdina (Fabricius, 1775) (Hymenoptera: Formicidae) trên cây cà phê

24/09/2018

(WIP) - Kiến dệt lá Oecophylla smaragdina (Fabricius, 1775) là loài kiến tương đối lớn, kích thước có thể lên đến hơn 8mm, dễ nhận biết bởi đốt eo rất nhỏ và hàm dưới dài, khỏe. O. smaragdina phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới từ Ấn Độ sang Đông Nam Á và châu Úc. Ở Việt Nam, chúng được bắt gặp ở nhiều nơi nhưng phát triển mạnh nhất ở miền Nam, các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng,… Là loài kiến thuộc phân họ Formicinae - không có ngòi đốt nhưng vết cắn của chúng vẫn gây đau nhức bởi lực cắn mạnh kèm theo dịch tiết có tính chất giống axit từ tuyến nước bọt. O. smaragdina còn là một trong các loài kiến có tập tính hợp tác trong quần tộc ở mức rất cao. Chúng có thể kết bè, làm cầu khi gặp nước, phân chia công việc khi co kéo các lá lớn lúc xây tổ,… Do đó, không khó hiểu khi các phương pháp thu mẫu sử dụng bẫy cốc (pitfall trap) không bẫy được chúng ngoài thực địa, vì nếu một cá thể rơi xuống bẫy sẽ được một bầy kiến kết dây kéo lên.

 

Kiến dệt lá Oecophylla smaragdina (Fabricius, 1775) - (Nguồn: April Nobile, 2007)

Từ lâu, O. smaragdina đã được biết đến như là một loài thiên địch rất có ích trong nông nghiệp. Ở Trung Quốc, có bằng chứng chỉ ra rằng các tổ kiến dệt lá đã được đưa vào nuôi trong các vườn cam, xoài,… để chống lại côn trùng gây hại từ thế kỷ 18. Và đến tận ngày nay, chúng vẫn được ứng dụng như một biện pháp thay thế cho kiểm soát hóa học tại các trang trại (Huang and Yang, 1987). Các nghiên cứu ở Ghana cũng cho thấy O. smaragdina đã đóng góp vai trò rất lớn trong các đồn điền ca cao, không chỉ trong kiếm soát côn trùng gây hại mà còn làm giảm tỷ lệ các bệnh do nấm và virut gây ra (Dzahini-Obiatey et al., 2006).

 

Kiến co lá để xây tổ - (Nguồn: Darren Poke, 2010)

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học ở Đại học Aarhus, Đan Mạch đã tìm ra một lợi ích nữa của O. smaragdina đối với nông nghiệp. Christian Pinkalski và cộng sự (2018) đã phát hiện ra lá cà phê có khả năng hấp thụ nitơ từ chất thải ​​của O. smaragdina trên bề mặt lá hiệu quả hơn nhiều so với con đường khoáng hóa từ rễ.

Chất thải của Oecophylla smaragdina trên bề mặt lá cà phê - (Nguồn: Joachim Offenberg, 2018)

Trong những thí nghiệm của mình, họ đã bố trí những cây cà phê độc lập nhau, với cây trung tâm được được thả một đàn kiến dệt lá. Các cây được đặt trong nước, do đó kiến không thể di chuyển từ cây này sang cây khác và phần gốc cây cũng được đậy lại để kiến không thể xâm nhập. Kiến ở cây trung tâm được cho ăn bằng axit amin – glycine có nito nặng được đánh dấu (15N). Tiếp đó, họ tạo ra những cây cầu nối cây trung tâm với một số cây xung quanh rồi theo dõi.

Thiết kế thí nghiệm - (Nguồn: Christian Pinkalski và cộng sự, 2018)

Kết quả, những cây có sự hiện diện của kiến có hàm lượng nito cao hơn và thân lớn hơn những cây còn lại. Theo nhóm nghiên cứu, chất dinh dưỡng từ chất thải của kiến đã được đưa trực tiếp lên lá và được vận chuyển đến những vị trí khác nhau – những nơi thực vật đang cần dinh dưỡng nhất như lá non và các đỉnh sinh trưởng. Việc bổ sung chất dinh dưỡng cho lá có thể là một lợi thế cho cây phát triển. Nó mang ý nghĩa sinh thái rất lớn, khi mà có nhiều loài cây đang có sự cộng sinh với O. smaragdina và nó có thể quyết định đến tự tiến hóa của các tương tác giữa các loài thực vật với O. smaragdina.

 Tài liệu tham khảo:                                                

1. Dzahini-Oblatey, H., G. A. Ameyaw, and L. A. Ollennu, 2006. Control of cocoa swollen shoot disease by eradicating infected trees in Ghana: A survey of treated and replanted areas. Crop Prot. 25: pp. 647-652.

2. Huang, H. T., & Yang, P., (1987). “The ancient cultured citrus ant”. BioScience 37 (9): pp. 665-671

3. Pinkalski, C., K. M. V. Jensen, C. Damgaard, and J. Offenberg. 2018. Foliar uptake of nitrogen from ant faecal droplets: An overlooked service to ant-plants. Journal of Ecology. 106: pp. 289-295

4. Antwiki.org

 

Người viết: ThS. Vũ Xuân Trường
Phòng thí nhiệm Sinh hóa và Diệt trừ mối 

Bài viết khác

Tin mới nhất