(WIP) - Trong 1 nghiên cứu được công bố trên tạp chí Côn trùng kinh tế vào tháng 12/2017, các nhà nghiên cứu của Đại học Florida đã phát hiện ra mối thợ của loài C. formosanus có một sự thôi thúc mạnh mẽ để quay lại tổ chính ở thời điểm chúng cần lột xác. Tập tính này chưa được biết đến trước đây. Kết quả này của NCS Garima Kakkar được coi là một tiến bộ mới giúp phần nào giải thích lý do tại sao việc sử dụng bả ức chế tổng hợp kitin (CSI) lại có thể xử lý hiệu quả loài mối ngầm này.
Bả CSI sẽ gây giết mối trong khi chúng lột xác, vì vậy nếu vị trí lột xác của chúng là ở trong tổ hoặc khu vực gần sát tổ sẽ tác động tới toàn bộ các cá thể trong tổ bao gồm cả nhóm mối sinh sản. Tập tính này của mốiđã giúp ngăn chặn hiện tượng mối chết ở gần khu vực đặt trạm bả.
Kakkar và nhóm nghiên cứu của mình đã thiết kế một mô hình tổ mối Coptotermes formosanus bao gồm một tổ trung tâm nối thông với các khu vực kiếm ăn của mối bởi các ống dài 15 m được cuộn lại (hình 1).
Mô hình thí nghiệm gồm 1 tổ mối chính và các khu vực kiếm ăn của mối được nối thông nhau bằng các ống dài 15m được cuộn lại
Mô hình tổ mối được nuôi ổn định 1 tuần, sau đó các nhà nghiên cứu thu thập và đánh dấu vị trí của 30 mối thợ lột xác và 30 mối thợ không lột xác. Kết quả cho thấy, mối thợ không lột xác được tìm thấy ở cả khu vực tổ trung tâm và trong cả các địa điểm tìm kiếm thức ăn, tuy nhiên tất cả mối thợ lột xác đều được tìm thấy trong tổ trung tâm. Cụ thể, chúng nằm gần khu vực lưu giữ trứng của tổ, cách đó không quá 5 cm và những mối thợ mới lột xác (trong vòng 36 giờ) có xu hướng ở lại khu vực trung tâm của tổ.
Nghiên cứu này cũng cho thấy một phần lớn mối thợ không lột xác được tìm thấy trong khu vực tổ trung tâm, điều này khá dễ hiểu vì nhiều cá thể trong số chúng được giao nhiệm vụ bảo vệ tổ, chăm sóc trứng và cá thể còn non. Một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trung bình 1,7% cá thể mối trong 1 tổ sẽ lột xác mỗi ngày. Việc phát hiện thấy tập tính của mối thợ là tìm kiếm thức ăn rồi trở về tổ để lột xác gợi ý rằng chúng có thể trao đổi vai trò với các mối thợ khác trong tổ. Nhóm nghiên cứu đã suy đoán rằng lý do mối quay trở lại tổ để lột xác có thể chỉ đơn giản là tìm kiếm sự an toàn trong một thời gian dễ bị tổn thương và để cho mối chúa ăn các lớp vỏ lột mà trong đó có chứa nhiều nitơ rất cần thiết.
Nhóm nghiên cứu cũng đang tiến hành thêm các thử nghiệm để kiểm tra các giả thuyết về ý nghĩa sinh học của việc tại sao mối lại quay trở lại tổ trung tâm để lột xác.
“Molting Site Fidelity in Workers of Formosan Subterranean Termites (Isoptera: Rhinotermitidae)”
Tác giả G Kakkar W Osbrink A Mullins N-Y Su
Tạp chí: Journal of Economic Entomology, Volume 110, Issue 6, 5 December 2017, Pages 2512–2517
Người viết: ThS. Nguyễn Thúy Hiền
Trung tâm Nghiên cứu và Phòng trừ mối
Tin mới nhất