TextBody
, 22/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long - Quy hoạch vùng đầu tiên được duyệt theo luật quy hoạch

28/04/2022

Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Quy hoạch vùng đầu tiên được duyệt theo Luật Quy hoạch.

Quy hoạch vùng đầu tiên được duyệt theo Luật Quy hoạch

Luật Quy hoạch đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật đã quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch. là căn cứ pháp lý để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất trong hoạt động quy hoạch.

Luật Quy hoạch là công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Luật Quy hoạch là công cụ pháp lý quan trọng đẩy nhanh việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư, phát triển, tạo rào cản ra nhập thị trường của doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ đang gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển.

Các đại biểu Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 

Ngay sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, theo đó, Chính phủ giao các Bộ và cơ quan ngang Bộ phối hợp với cơ quan lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Quy hoạch vùng đầu tiên được duyệt theo Luật Quy hoạch.

Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long gắn tới tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030 xác định quan điểm phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy “con người” làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân; chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long nêu rõ sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng phát huy có hiệu quả các nguồn lực về con người, khỏa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đô thị, phát triển công nghiệp và chuyển đổi số. Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hoá, công nghiệp hoá tạo ra sự phát triển đột phá.

Quy hoạch vùng hướng tới phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long gắn tới tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, định hướng phát triển của vùng sẽ tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt chú trọng đến hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch, thủy lợi và hạ tầng xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; chú trọng việc đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước, biên giới, vùng biển và hải đảo.

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đặt tầm nhìn đến năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư; các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động; các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng được bảo tồn và phát triển; khai thác, phát huy có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp của quốc gia, khu vực và thế giới

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đặt ra những mục tiêu cụ thể như phát triển vùng đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tể và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh.

Cụ thể, về môi trường, sinh thái, Quy hoạch vùng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 đạt 7,5 %. Bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái đầm phá nhằm đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chủ động phòng, tránh giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Về giáo dục - đào tạo, Quy hoạch vùng định hướng nâng cao mặt bằng học vấn và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục; phấn đấu đến năm 2030, nâng tỷ lệ học sinh ở các cấp học và tỷ lệ phòng học kiên cố đạt mức bình quân cả nước.

Về kinh tế, Quy hoạch vùng đưa ra mục tiêu tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; duy trì tỷ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20-25% vào năm 2030; tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

Đối với lĩnh vực lao động, Quy hoạch vùng đặt mục tiêu phát triển lực lượng lao động chất lượng cao và có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó chú trọng các ngành trọng tâm của vùng. Đen năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp (dịch vụ và công nghiệp - xây dựng) đạt 75-80%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%.

Với lĩnh vực y tế, sẽ xây dựng hệ thống y tể toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phủ khắp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đến năm 2030, đạt 30 giường bệnh viện; 10 bác sĩ; 2,8 dược sĩ đại học; 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân.

Bên cạnh đó, về văn hóa, Quy hoạch vùng đặt mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa. Bảo tồn, tôn tạo và phát triển các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp phát triển du lịch./.

Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM

Bài viết khác

Tin mới nhất