TextBody
, 22/12/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

So sánh tác động của bả ức chế tổng hợp kitin và thuốc trừ sâu dạng lỏng không xua đuổi lên loài mối ngầm Coptottermes spp.

23/09/2021

(WIP) - Để ngăn chặn mối (Isoptera) tấn công công trình xây dựng có hai phương pháp chính là sử dụng thuốc trừ sâu dạng lỏng và sử dụng bả (bả độc dạ dày hoặc bả ức chế tổng hợp kitin). Việc lựa chọn phương pháp nào từ lâu đã có rất nhiều cuộc tranh luận và chắc chắn việc tranh luận này vẫn còn tiếp tục diễn ra. Thực tế cho thấy, chúng ta không thể giám sát toàn thể quần tộc mối do tính chất hoạt động ngầm của chúng. Nên thực tế những tác động thật sự của 2 phương pháp đến hoạt động của mối vẫn còn có những câu hỏi cần trả lời.

Trong một bài báo mới đây được đăng lên tạp chí Côn trùng Kinh tế của Mỹ, tiến sĩ Thomas đến từ Đại học Florida, Hoa Kỳ trình bày kết quả nghiên cứu so sánh về hiệu quả kiểm soát loài mối ngầm Coptotermes gestroi (Wasmann) bằng bả ức chế tổng hợp kitin (hoạt chất noviflumuron) (bả CSI) và một loại hóa chất phòng trừ mối thông dụng là Fipronil. Đây cũng là lần đầu tiên có một thử nghiệm được đánh giá trên các mô hình tổ mối đã được nuôi hơn 4 năm với đầy đủ các đẳng cấp của quần tộc bao gồm mối vua, mối chúa, mối thợ mối lính với các độ tuổi. Số lượng cá thể cho 1 tổ thử nghiệm được ước tính khoảng 780.000 cá thể mối, được thiết kế để theo dõi trong điều kiện phòng thí nghiệm với khoảng cách kiếm ăn hơn 12m lớn hơn tất cả các thử nghiệm đã từng được tiến hành trước đây.

Hình ảnh trong quá trình thí nghiệm của Ph.D. Thomas Chouvenc (nguồn: Thomas Chouvenc)

Thử nghiệm mô phỏng hoạt động của mối khi có 1 bộ phận của tổ bị nhiễm độc. Mô hình tổ mối thử nghiệm được thiết kế với nhiều cổng nối ra vào (thể hiện hoạt động tìm kiếm thức ăn của mối) và chỉ 1 phần của quần thể mối bị phơi nhiễm trực tiếp với khu vực xử lý thuốc mối. Trong vòng 2 tuần sau khi thử nghiệm với fipronil, tất cả cá thể mối trong vòng 1,5 m tính từ khu vực xử lý đã chết. Sự tập trung của xác mối gần với khu vực xử lý dẫn đến hiện tượng xua đuổi thứ cấp và quần thể mối tránh khu vực bị xử lý trong 10 tuần tiếp theo của thí nghiệm và chúng sử dụng các đường đi kiếm ăn mới thay thế. Thời điểm cuối tuần thứ 12, các quần thể thí nghiệm với Fipronil không có bất cứ một sự khác biệt nào về kích cỡ quần thể so với quần thể mối đối chứng.

Trái lại, quần tộc mối thử nghiệm với bả Noviflumuron không có sự thay đổi về hoạt động kiếm ăn trong 40 ngày đầu tiên, nhưng sau đó mối dừng dần dần hoạt động kiếm ăn. Sau 12 tuần phơi nhiễm với bả, quần tộc mối gần như bị loại bỏ, chỉ còn 1 vài mối thợ và mối lính, toàn bộ quần tộc bị xử lý trong 95 ngày.

Kết quả nghiên cứu đã khẳng định, mối ngầm khi khai thác bả CSI sẽ chắc chắn bị xử lý, bất kể vị trí đặt bả ở đâu. Trong khi đó, các quần thể mối bị phơi nhiễm với Fipronil chỉ bị xua đuổi khỏi khu vực gần với vị trí bị xử lý thuốc nên có thể duy trì được tập tính kiếm ăn tại những khu vực không được xử lý thuốc và vì vậy chúng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho các công trình trong thời gian dài.

Bài gốc:

“Comparative Impact of Chitin Synthesis Inhibitor Baits and Non-repellent Liquid Termiticides on Subterranean Termite Colonies Over Foraging Distances: Colony Elimination Versus Localized Termite Exclusion”

Tác giả: Thomas Chouvenc

Journal of Economic Entomology, XX (X), 2018. Trang 1 – 12.

Người dịch: ThS. Nguyễn Thúy Hiền
Trung tâm Nghiên cứu Phòng trừ mối

Bài viết khác

Tin mới nhất