(WIP) - Mối Odontotermes hainanensis là loài mối có ý nghĩa kinh tế quan trọng ở Việt Nam. Loài mối này thường làm tổ trên đê và là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún, vỡ đê hàng năm. Tổ của loài mối này thường nằm chìm trong thân đê vì vậy khó có thể phát hiện được bằng quan sát thông thường mà đòi hỏi phải có các thiết bị chuyên dụng. Vào mùa bay giao hoan phân đàn (từ tháng 3 đến tháng 6), các dấu hiệu về sự có mặt của tổ mối loài này trên đê được thể hiện rõ nét qua sự xuất hiện của các nắp phòng đợi bay. Phương pháp xử lý mối Odontotermes nói chung và Odontotermes hainanensis nói riêng hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là phun hoá chất vào tổ. Tuy nhiên biện pháp này do sử dụng nhiều hoá chất nên gây ô nhiễm môi trường. Để hướng tới việc có thể ứng dụng công nghệ bả trong phòng trừ loài mối O.hainanensis, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu ‘Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bả để phòng trừ mối Odontotermes hainanensis gây hại đê sông trên địa bàn tỉnh Thái Bình’ đã tiến hành nghiên cứu sự biến đổi về số lượng và cấu trúc bên dưới nắp phòng đợi bay của tổ O. hainanensis trên đê.
Quan sát số lượng, hình thái nắp phòng đợi bay của 9 tổ mối trên đê hữu Hồng thuộc xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình trong 40 ngày, từ khi nắp phòng đợi bay đầu tiên xuất hiện đến thời điểm số lượng và kích thước nắp phòng đợi bay không thay đổi cho thấy rằng số lượng của chúng thay đổi trong mùa bay giao hoan. Vào đầu mùa xuân (từ giữa tháng 3) các tổ mối có số lượng nắp phòng đợi bay nhỏ, đạt trung bình 5,56 nắp/tổ ; đến thời điểm tuần thứ 2 của tháng tư số nắp phòng đợi bay trung bình là 6,8 nắp/tổ; đến tuần thứ 3 của tháng tư, số nắp phòng đợi bay đạt trung bình là 8,3 nắp/tổ. Trong 10 ngày đầu tính từ khi xuất hiện nắp phòng đợi bay đầu tiên, số nắp phòng đợi bay tăng trung bình là 2,6 nắp/tổ, nhưng 32 ngày tiếp theo số nắp phòng đợi bay chỉ tăng trung bình 0,2 nắp/tổ. Kết quả cũng cho thấy số lượng nắp phòng đợi bay không tăng đáng kể từ tuần thứ 2 của tháng tư.
Theo dõi về sự thay đổi về cấu trúc nắp phòng đợi bay, nhóm nhiên cứu cho biết chiều cao của các nắp phòng đợi bay tăng nhanh trong 10 ngày đầu và không tăng đáng kể trong những ngày sau đó. Cụ thể, chiều cao nắp phòng đợi bay tăng từ 1,65cm đến 3,67cm trong 10 ngày đầu tiên (gấp hơn 2 lần) và đến khi kết thúc theo dõi chiều cao nắp phòng đợi bay cũng chỉ đạt được 3,85cm.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 40 ngày kể từ khi xuất hiện nắp phòng đợi bay đầu tiên, các chỉ số bên ngoài xuất hiện trên bề mặt đê liên quan đến nắp phòng đợi bay của tổ mối O. hainanensis hầu như không còn thay đổi, kể từ số lượng đến kích thước, cũng như các hiện tượng sửa chữa, đắp mới.
Hình 1. Nắp phòng đợi bay ở ngày thứ 1
Hình 2. Nắp phòng đợi bay ở ngày thứ 12
Người viết: Trần Thị Thu Huyền
Trung tâm Nghiên cứu Phòng trừ mối
Tin mới nhất