Mối là côn trùng xã hội. Trong quần tộc, chúng không những có sự phân công lao động theo đẳng cấp (mối sinh sản: mối vua, mối chúa, mối cánh; mối lao động: mối thợ, mối lính) mà còn có sự phân công lao động giữa các nhóm mối thợ.
Oliveira và cộng sự (2021) đã tiến hành nghiên cứu về sự phân công lao động trong hoạt động kiếm ăn ở loài Constrictotermes cyphergaster. Thông qua việc quan sát, xác định tỷ lệ từng nhóm mối trong đàn mối kiếm ăn và kiểm tra lượng thức ăn thu được trong thực quản của mối thợ kiếm ăn, nhóm tác giả nhận thấy đàn mối kiếm ăn gồm có mối thợ nhỏ và mối thợ lớn. Tuy nhiên, số lượng mối thợ nhỏ gấp 4 lần so với mối thợ lớn, chúng đi tập trung ở giữa đường và thực quản chứa lượng thức ăn nhiều hơn. Trong khi đó, bên cạnh nhiệm vụ đi kiếm ăn, mối thợ lớn còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ khác như canh gác, báo động khi có kẻ thù đến xâm lược. Mối thợ lớn có hình dạng gần giống mối lính và được quan sát thấy nhiều ở bên lề lối đi.
Nhiều nghiên cứu khác cho thấy sự phân công lao động ở mối thợ không chỉ theo nhóm đẳng cấp mối thợ (mối thợ lớn và mối thợ nhỏ) mà còn có sự phân công lao động theo nhóm tuổi (mối thợ già, mối thợ trẻ). Mối thợ trẻ thường đảm nhiệm các công việc an toàn hơn như hoạt động chăm sóc mối vua và mối chúa, nuôi dưỡng các cá thể non bên trong tổ. Mối thợ già lại đảm nhiệm nhiệm vụ vất vả, khó khăn hơn ở bên ngoài tổ như kiếm ăn, bảo vệ tổ.
Việc nghiên cứu về sự phân công lao động ở mối giúp cho con người hiểu biết hơn về mối nói chung và từng loài mối nói riêng làm cơ sở để nghiên cứu nhân nuôi, khai thác những mặt lợi của chúng cũng như tìm ra các giải pháp phòng trừ hiệu quả đối với những loài mối gây hại.
Nguồn: de Oliveira, M. H., Viana-Junior, A. B., Nascimento, C. C., & Bezerra-Gusmao, M. A. (2021). Worker Dimorphism in Nasute Termites Reflects Different Tasks during Food Collection. Journal of Insect Behavior, 1-10.
Người viết: Nguyễn Thị My
Đơn vị: Phòng thí nghiệm sinh hóa và diệt trừ mối
Tin mới nhất