TextBody
, 07/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Tác hại của loài giáp xác chân đều (SPHAEROMA TEREBRANS BATE, 1866) trên cây ngập mặn

20/09/2019

1. Phân bố

  (WIP) - Loài giáp xác chân đều Sphaeroma terebrans hại cây ngập mặn được mô tả lần đầu tiên được thu thập ở Ấn Độ. Hiện nay, loài này đang gây hại rừng ngập mặn ở trên toàn thế giới bao gồm Úc, Sri Lanka, Đông Phi, Nam Phi, Costa Rica, Brazil và các vùng vịnh của Hoa Kỳ và nhiều nơi khác. Loài giáp xác này có biên độ sinh thái rộng, thường gây hại cho các loài cây thuộc chi Đước (Rhizophora) ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Loài này cũng được Baratti (2005) ghi nhận sự phân bố ở dọc bờ biển của Việt Nam. Tháng 4 năm 2017, Phạm Quang Thu phát hiện loài giáp xác này xuất hiện và đục rễ, thân cây Đước và một số loại cây ngập mặn khác tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (Phạm Quang Thu, 2017). Đến tháng 11 năm 2017, Trịnh Văn Hạnh và cộng sự phát hiện loài này hại cây Bần trắng (Sonneratia alba J.Smith, 1816) trên 3 tuổi với diện tích gây hại trên 10ha tại khu vực đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định.

Hình 1. Phân bố của S. terebrans theo Baratti và cộng sự, 2004

(Các nét đậm trên hình)

2. Đặc điểm sinh học, sinh thái học của loài giáp xác chân đều 

S.terebrans đục rễ, thân cây ngập mặn như đước, mắm, vẹt, bần… thành các lỗ có đường kính 0,4 đến 0,6 cm làm nơi trú ẩn, sinh sản và bắt các sinh vật nhỏ sống phù du trong nước làm thức ăn. Loài giáp xác này không ăn mô cây ngập mặn, nhưng đục rễ, làm giảm khả năng sinh trưởng của rễ (Perry, 1988, Brooks và Bell, 2002), thậm chí làm teo hoặc đứt rễ (Rehm và Humm, 1973). Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng loài giáp xác chân đều này có thể làm đổ cây (Rehm và Humm, 1973), thay đổi về mặt hình thái học của cây (Davidson và cộng sự, 2014), hoặc biến đổi cấu trúc rễ và cây ngập mặn (Simberloff và cộng sự, 1978, Brooks và Bell 2002).

Do S. terebrans phá hoại rễ và ngăn cản rễ bám vào thể nền (Rehm and Humm 1973), nên chúng có thể làm thay đổi môi trường rễ cây ngập mặn cho các loài sinh vật biển và có khả năng hạn chế sự mở rộng của cây ngập mặn về phía biển. Ngoài sử dụng các sinh vật nhỏ sống phù du làm thức ăn, một số bằng chứng cho thấy loài giáp xác này cũng sử dụng xenlulo trong quá trình đào hang làm nguồn thức ăn.

Chế độ thủy triều tại khu vực trồng cây ngập mặn có ảnh hưởng lớn đến mức độ gây hại của S. terebrans. Svavarsson và cộng sự (2002) và Phạm Quang Thu (2017) chỉ ra rằng cây ngập mặn ở vùng ngập triều thấp bị gây hại ít hơn. Khi trồng cây trên các vùng có thời gian ngập triều lâu, tảo và rêu mọc nhiều, cây ngập mặn sinh trưởng và phát triển kém, S. terebrans sinh trưởng mạnh, dẫn đến cây bị hại nặng.

 Hình 2: Triệu chứng gây hại của S. terebrans trên thân bần trắng Sonneratia alba

3. Giải pháp quản lý

          Hiện tại chưa có giải pháp hữu hiệu để trừ loài S. terebrans hại cây ngập mặn. Việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ loài giáp xác chân đều này là không khả thi do ảnh hưởng đến môi trường hệ sinh thái bãi triều, cửa sông và các loài động vật giáp xác khác. Biện pháp trước mắt tại các khu vực rừng ngập mặn bị loài giáp xác này gây hại là cần chặt bỏ và thu gom các cây ngập mặn bị chết đưa lên bờ tiêu hủy, để giảm mật độ loài giáp xác và tránh lây lan sang diện tích rừng xung quanh. Ngoài ra, có thể làm giảm mật độ loài S. terebrans bằng cách đặt bẫy là các tấm xốp dầy ghim ngập dưới nước sát mặt bùn để dẫn dụ loài này đến đục lỗ, kiểm tra định kỳ hàng tuần và thu bắt giáp xác trong các hang của tấm xốp (Phạm Quang Thu, 2017).

Người viết: Trần Thị Lợi

Trung tâm Sinh học và Bảo vệ đê

Bài viết khác

Tin mới nhất