TextBody
, 22/12/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Thành phần loài và sự phân bố của Mối (Insecta: Isoptera) theo các sinh cảnh ở Khu di tích Mỹ Sơn

24/09/2021

(WIP) - Khu di tích Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km. Nơi đây gồm hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa trong một thung lũng, bốn phía được bao quanh bởi núi, đồi. Tổng diện tích của Khu di tích là 1.158ha, trong đó khu trung tâm rộng khoảng 320 ha, còn lại là những khu rừng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm và đươc bảo vệ nghiêm ngặt. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu điều tra về tài nguyên động, thực vật quý hiếm đã được thực hiện để làm cơ sở cho công tác bảo tồn và phát triển du lịch, trong đó nghiên cứu về Mối (Isoptera) cũng đã được quan tâm.

Trong hai năm 2016 và 2017, chúng tôi đã tiến hành hai đợt điều tra mối ở các sinh cảnh khác nhau tại Khu di tích Mỹ Sơn. Kết quả xác định được 27 loài thuộc 12 giống, 6 phân họ, 2 họ mối, trong đó giống Odontotermes có số lượng loài nhiều nhất (8 loài, chiếm 29,63% tổng số loài), tiếp đến là giống Schedorhinotermes (4 loài, chiếm 14,81% tổng số loài), giống Macrotermes (3 loài, chiếm 11,11%), 9 giống còn lại có từ 1 đến 3 loài. So sánh với nghiên cứu của Nguyễn Quốc Huy và cộng sự (2014), kết quả đã bổ sung 17 loài cho khu hệ mối ở Khu di tích Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, kết quả phân tích sự phân bố của mối theo các sinh cảnh cho thấy có sự khác biệt về số lượng loài và cấu trúc thành phần loài trong các sinh cảnh. Số loài chủ yếu tập trung nhiều ở sinh cảnh rừng tự nhiên (22 loài), rừng trồng (16 loài), trảng cỏ cây bụi (12 loài) và ít nhất ở sinh cảnh công trình kiến trúc (5 loài). Phân họ mối có vườn nấm Macrotermitinae chiếm ưu thế cả ở 4 sinh cảnh, trong khi đó phân họ mối mũi Nasutitermitinae chỉ có phân bố ở sinh cảnh rừng tự nhiên và rừng trồng. Đặc biệt, những loài mối được tìm thấy trong khu di tích chủ yếu là các loài thuộc phân họ mối có vườn cấy Macrotermitinae. Đây là cơ sở để lựa trọn giải pháp phòng trừ mối hợp lý trong công tác bảo tồn các công trình tháp trong khu di tích này.

Hình 1. Tổ mối Termes ở sinh cảnh rừng tự nhiên

Hình 2. Tổ mối Globitermes ở sinh cảnh trảng cỏ cây bụi

Hình 3. Sinh cảnh công trình kiến trúc

Hình 4. Tường tháp C2 đang bị mối Odontotermes xâm hại

Người viết: ThS. Nguyễn Thị My
Phòng thí nghiệm Sinh hóa và Diệt trừ mối

Bài viết khác

Tin mới nhất