TextBody
, 08/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Triển khai giai đoạn 1 mô hình ứng dụng công nghệ bả để phòng trừ mối Odontotermes hainanensis gây hại đê sông trên địa bàn tỉnh Thái Bình

24/05/2018

(WIP) - Trong năm 2017, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã được giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bả để phòng trừ mối Odontotermes hainanensis gây hại đê sông trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Qua hơn 1 năm nghiên cứu, nhóm cán bộ thực hiện đề tài đã thành công trong việc lựa chọn loại bả cũng như kỹ thuật sử dụng bả để diệt tổ mối loài O. hainanensis gây hại trên đê.

Để chuẩn bị cho việc tập huấn và chuyển giao kỹ thuật xử lý mối O. hainanensis gây hại trên đê bằng bả, nhóm thực hiện đề tài đã triển khai mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ bả xử lý mối O. hainanensis.

Mô hình được triển khai thành 2 giai đoạn, tương ứng với mùa vụ hoạt động của mối là mùa bay giao hoan phân đàn (có xuất hiện các lỗ vũ hóa trên mặt đê tại khu vực vị trí tổ mối) và không phải mùa bay giao hoan phân đàn (không có lỗ vũ hóa). Giai đoạn một được thực hiện từ ngày 12/4/2018 trên đoạn đê dài 500m thuộc đê Tả sông Hồng thuộc địa phận xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Vị trí các tổ mối được xác định thông qua việc khảo sát đánh dấu khu vực phân bố của các lỗ vũ hóa được thực hiện vào tháng 3 năm 2018, sau đó tiến hành thăm dò bằng thiết bị Rada đất để xác định chính xác số lượng, vị trí, độ sâu của các khoang tổ mối trên các khu vực có tổ mối đang hoạt động. Kết quả đã xác định được 20 tổ mối O. hainanensis nằm trong khu vực triển khai mô hình, trong đó 10 tổ được sử dụng cho giai đoạn 1 và 10 tổ sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2 của mô hình.

Kỹ thuật xử lý tổ mối O. hainanensis tại mô hình trong mùa bay giao hoan phân đàn (giai đoạn 1) được xác định là dùng súng bơm bả dạng thạch vào trong khoang tổ mối thông qua lỗ vũ hóa. Quá trình triển khai mô hình có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình cũng như Chi cục quản lý đê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Kết quả sau 3 tuần, quan sát thấy nhiều nấm than mọc trên mái đê tại các vị trí tổ mối  được xử lý bằng bả. Khi tiến hành đào lộ khoang chính của tổ đều quan sát thấy không còn mối trong các khoang tổ và vườn nấm của mối bị thối rữa.

Điều này chứng tỏ kỹ thuật xử lý mối O. hainanensis bằng cách bơm bả qua lỗ vũ hóa của tổ mối đạt hiệu quả diệt mối 100%, là cơ sở để hoàn thiện kỹ thuật xử lý mối O. hainanensis và chuyển giao cho đơn vị chủ quản sau khi kết thúc đề tài.

 MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI MÔ HÌNH

 Hình 1. Đo Rada xác định vị trí tổ mối 

 Hình 2. Phân tích số liệu đo Rada tại thực địa xác định vị trí tổ mối

Hình 3. Bơm bả thạch vào khoang tổ thông qua lỗ vũ hóa 

Hình 4. Nấm than mọc trên mặt đất tại các vị trí tổ mối sau 3 tuần xử lý

 

 Người viết: ThS. Trần Thị Thu Huyền
Trung tâm Nghiên cứu Phòng trừ mối

Bài viết khác

Tin mới nhất