TextBody
, 21/11/2024
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Ứng dụng giải pháp sinh thái nhằm phát triển rừng ngập mặn tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu

11/02/2022

Rừng ngập mặn tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chống xói mòn, sạt lở trên 8.400 m đê biển, trên 3.000 ha đầm nuôi trồng thủy sản, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của trên 2.000 hộ dân ở khu vực này. Điều kiện lập địa khu vực thuộc dạng khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão, gió mạnh, mùa gió chướng, chế độ triều biến động mạnh, tỷ lệ bùn cát không ổn định là những yếu tố không thuận lợi cho việc phát triển rừng ngập mặn.

Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình trong giai đoạn 2017 - 2020 đã áp dụng phương pháp tổng hợp, điều tra lập địa, điều tra ô tiêu chuẩn, xây dựng mô hình và kết quả nghiên cứu đã xác định được diện tích rừng và đất ngập mặn là 2.878,7 ha. Trong đó, diện tích có RNM là 881,7 ha và đất trống ngập mặn là 2.100 ha. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đã xác định được nguyên nhân không thành công của trồng rừng ngập mặn là thiếu đánh giá về lập địa ngập mặn và xác định loài cây, thời vụ, phương pháp trồng rừng ngập mặn không phù hợp với điều kiện trồng rừng. Viện đã xây dựng được mô hình phát triển rừng ngập mặn với quy mô 2 ha, trong đó, sử dụng giải pháp sinh thái là tường mềm bằng vật liệu tre với chiều dài 200 mét để giảm sóng, gây bồi tạo bãi và đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho cây ngập mặn sinh trưởng. Một số kết quả bước đầu của mô hình là đã xác định được loài cây Mắm biển (Avicennia marina) với mật độ trồng phù hợp là 2.500 cây/ha được trồng trên điều kiện lập địa khó khăn cho tỷ lệ sống cao trên  90% sau 6 tháng trồng rừng, chiều cao trung bình cây 1,3 mét, đường kính gốc 2,5 cm, số lượng rễ khí sinh trên 28 chiếc và chiều dài trung bình 26 cm. Mô hình có sử dụng giải pháp cắt ngọn cây Mắm biển giai đoạn mới trồng và sử dụng 3 cọc cắm để bảo vệ cây đã tăng tỷ lệ sống.

Ứng dụng được giải pháp sinh thái phát triển rừng ngập mặn phù hợp với đặc điểm lập địa ngập mặn tại tỉnh Bạc Liêu và các khu vực lân cận có sự tương đồi về điều kiện gây trồng là hướng tiếp theo để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ở Việt Nam.

 

Hình 1. Tường mềm giảm sóng, gây bồi tạo bãi trước và sau hoàn thiện

(a) (b)

Hình 2. Cây Mắm biển (Avicennia marina) sau trồng 3 tháng (a) và 6 tháng (b)

Hình 3. Tường mềm chụp từ flycam sau 6 tháng

Người viết: TS. Đỗ Quý Mạnh

Trung tâm Sinh học Bảo vệ đê

 

 

Bài viết khác

Tin mới nhất