Giới thiệu sách “Hệ sinh thái vùng triều ven biển đồng bằng sông Cửu Long”
Việt Nam là một quốc gia có trên 3.260 km bờ biển, trải dài từ tỉnh Quảng Ninh đến Kiên Giang, có 28 tỉnh, thành phố có rừng ngập mặn và đất ngập mặn ven biển, ven sông, bãi bồi, vụng, vịnh và đầm phá. Các hệ sinh thái quan trọng mang lại nhiều sản phẩm hữu dụng và dịch vụ cho cộng đồng dân cư. Các hệ sinh thái này đa tác dụng ngoài cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nguồn lợi thủy sản, còn là nơi giải trí, du lịch sinh thái, thấm lọc sinh học, cố định đất, tích tụ C, hấp thụ CO2 và điều hòa khí hậu. Đặc biệt, rừng ngập mặn là “bức tường xanh” có tác dụng làm giảm sóng, giảm dòng chảy ven bờ tác động vào đê biển, bảo vệ và tạo sinh kế cho cư dân ven biển. Để đạt được mục tiêu khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái vùng triều cho một khu vực điển hình như đồng bằng sông Cửu Long thì cần nhiều nghiên cứu, đánh giá về một số hệ sinh thái điển hình vùng cửa sông, bãi bồi và rừng ngập mặn làm cơ sở đề xuất các giải pháp sinh thái tổng hợp nhằm phát triển ổn định vùng biển Việt Nam.