TextBody
, 24/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai cần tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học

28/08/2018

(WIP) - Nhằm giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu mới có triển vọng áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, ngày 24/8/2018, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ chuyên ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai giai đoạn 2013 - 2017

Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện chuẩn bị kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống ngành thủy lợi (28/8/1945 – 28/8/2018). Trước đó ngày 23/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tổ chức 03 Hội thảo khoa học và công nghệ chuyên ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai của các tiểu ban quản lý công trình thủy lợi tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; tiểu ban xây dựng công trình tại Viện Thủy công và tiểu ban Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển.

Tham dự Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Trưởng Ban Khoa học Công nghệ Thủy lợi - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ông Nguyễn Cảnh Dinh - nguyên Ủy viên TW Đảng - nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi; GS.TSKH. Phạm Hồng Giang và GS.TS. Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới; đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, các cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh thành phố trên cả nước...

Ngoài ra còn có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Tổ chức, Hiệp hội; Văn phòng Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; các cơ quan báo chí truyền thông.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện; GS.TS. Tăng Đức Thắng và PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; đại diện lãnh đạo của các đơn vị và các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thủy lợi của các đơn vị trực thuộc Viện.

Trong năm năm vừa qua, Ngành thủy lợi đã đạt được nhiều thành tựu tiêu biểu có thể kể đến như đã từng bước hoàn thiện công nghệ SCADA để giám sát, quan trắc dự báo ngập, mặn đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long; công nghệ phân phối nước, điều hành hệ thống công trình thủy lợi; đã và đang từng bước hoàn thiện về công nghệ tưới cho các loại cây trồng chủ lực như lúa, cây trồng cạn; công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt và những công nghệ này đã được áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngành thủy lợi đã có những giải pháp về cấp thoát nước cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long; Đã áp dụng thành công công nghệ đập xà lan, đập trụ đỡ, công nghệ xử lý nền cho hệ thống đê, đập đặc biệt là các cống vùng đồng bằng sông Cửu Long; áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường để bảo vệ vùng bờ, bảo vệ hệ thống đê điều, đê sông, đê biển vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đang từng bước hoàn thiện trong công tác dự báo, cảnh báo sớm với dự báo mưa, lũ để giúp Bộ trong công tác quản lý điều hành.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng hiện nay đứng trước cơ hội đó là cuộc cách mạng lần thứ 4 cũng như các thách thức về vấn đề phát triển thượng nguồn, phát triển nội tại trong nước và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một nghiêm trọng đặt ra cho ngành thủy lợi nhiệm vụ cần phải tiếp tục đổi mới phương thức, sáng tạo để tổ chức thực hiện các chương trình khoa học công nghệ, các đề tài phục vụ cho sự phát triển của đất nước, của ngành.

GS.TS. Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội nghị

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe 04 báo cáo tiêu biểu về kết quả nghiên cứu giai đoạn 2013-2018 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2018 – 2015 lĩnh vực thủy lợi, Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Một số vấn đề về chế độ nước và sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long - (GS.TS. Tăng Đức Thắng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam); Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành các công trình thủy lợi (TS. Nguyễn Quốc Hiệp - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi); Đào tạo nhân lực và sản xuất thông minh thời chuyển đổi số (Trường Đại học Thủy lợi).

Theo GS.TS. Đào Xuân Học - nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng thủy lợi đang đặt ra thách thức rất lớn không chỉ đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng, vấn đề chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở khắp cả nước do vậy hơn lúc nào hết cần phải tập trung trí tuệ của các nhà khoa học để giải quyết những vấn đề này và cần có tiếng nói cởi mở của các nhà khoa học trong mọi lĩnh vực.

GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh – Chủ nhiệm Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới cho biết Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Thủy lợi là hai trung tâm nghiên cứu và đào tạo có tiềm năng rất lớn, các cơ quan quản lý của Bộ cần giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để hai nơi này làm tốt được vai trò của mình. Chủ nhiệm Chương trình cũng đề nghị ngành thủy lợi cần nghiên cứu đưa ra giải pháp cải tạo, bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường...

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra một số định hướng trong thời gian tới đó là tiếp tục triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách chung đặc biệt là hệ thống luật pháp thủy lợi; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức; tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức từ trung ương đến địa phương theo Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 để tăng cường nguồn lực; hoàn thiện lại công nghệ tưới, áp dụng công nghệ tưới và cấp nước trong quy trình thâm canh như tưới cho lúa, cây trồng cạn; quy trình công nghệ tưới, cấp nước nằm trong quy trình thâm canh của cây con, tiếp tục đẩm bảo chất lượng nước; tiếp tục bổ sung một số công nghệ kỹ thuật để xử lý đê và đập; các nhà khoa học phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong vấn đề điều hành xả lũ hồ chứa; các Viện – Trường tiếp tục hỗ trợ Bộ trong công tác điều hành; tiếp tục nâng cao công tác dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai nói chung trong đó có loại hình sạt lở đất miền núi, xói lở bờ sông bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường bảo vệ vùng bờ nói chung và bảo vệ bờ sông bờ biển đồng bằng sông Cửu Long....

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã trưng bày và giới thiệu các kết quả nghiên cứu nổi bật như các ấn phẩm, sách, tạp chí của các tác giả trong Viện và standee giới thiệu các công trình nghiên cứu của Viện.

Theo: http://www.vawr.org.vn