TextBody
, 24/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Tìm giải pháp bền vững thích ứng với lũ tại ĐBSCL

23/09/2018

(WIP) - Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đi kiểm tra tình hình và các giải pháp ứng phó với lũ lụt tại các tỉnh ĐBSCL sáng 23/9.

Tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng thăm hỏi người dân thuộc tuyến dân cư vượt lũ Cần Sen 2

Tiếp đó, đoàn làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An.Đoàn công tác đã đi thị sát, kiểm tra tại một số khu vực trên địa bàn thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, đoàn đã đi kiểm tra tình hình lũ tại khu vực gần biên giới Campuchia; thăm mô hình chốt cứu hộ cứu nạn tại cầu Cả Chanh, xã Tân Hội, thăm, tặng quà nhân dịp Trung thu tại điểm giữ trẻ tập trung trường mẫu giáo Cần Sen 2, thăm một số hộ dân tại cụm tuyến dân cư vượt lũ Cần Sen 2; kiểm tra điểm sạt lở tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình.

Hiệu quả từ các công trình hạ tầng chống lũ

Theo Báo cáo của Tổng cục Phòng chống Thiên tai và của UBND các tỉnh tại cuộc họp, từ tháng 6 đến giữa tháng 9/2018, tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%; tổng lượng dòng chảy cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-40%. Trong đó, tổng lượng dòng chảy tháng 8/2018 cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-50%.

Mực nước cao nhất tại một số trạm thượng nguồn tính đến ngày 19/9 ở mức cao và xấp xỉ với mực nước lũ năm 2000.

Lũ lớn ảnh hưởng chủ yếu đến 04 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Long An, các địa phương khác ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng.

Theo thống kê, lũ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1,7 triệu hộ với gần 7,2 triệu người trên địa bàn 4 tỉnh. Trong đó, phần lớn là số dân sống trong cụm, tuyến dân cư an toàn (cụm tuyến dân cư vượt lũ, cao trình xây dựng lấy đỉnh lũ năm 2000 cộng 0,5m). Riêng Đồng Tháp, các hộ dân đều nằm trong cụm tuyến dân cư vượt lũ, đảm bảo an toàn, không bị ảnh hưởng khi lũ lên báo động 3.

Có khoảng 11,7 ngàn hộ với 47 ngàn nhân khẩu sinh sống ngoài đê bao, bờ bao phải di dời.

Phó Thủ tướng trao đổi với người dân 

Đối với sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch có khả năng bị ảnh hưởng là 15.568 ha (tỉnh Kiên Giang 13.156ha; tỉnh An Giang 2.412 ha); Lúa Thu Đông đã xuống giống có thể bị ảnh hưởng bởi lũ chính vụ khoảng 161.200 ha.Tại thời điểm hiện nay, lũ ảnh hưởng đến 6.201 em học sinh, chủ yếu là học sinh cấp 2, cấp 3, phải di chuyển hằng ngày qua các khu vực ngập lũ. Con số này là nhỏ so với các năm trước, vì các địa phương đã linh hoạt tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung tại những địa điểm an toàn, hạn chế tối đa việc học sinh phải di chuyển qua vùng lũ.

Tỉnh Long An có 54 cơ sở trang trại lớn và vừa có khả năng sẽ bị ảnh hưởng (các tỉnh khác không bị ảnh hưởng). Diện tích cây ăn trái và thủy sản không bị ảnh hưởng.

Về thiệt hại, tính đến ngày 19/9, lũ đã gây thiệt hại 1.518,12 ha lúa. Về bờ bao, ngày 12/9, đã xảy ra sự cố vỡ đê bao triệt để Tam Nông – Tháp Mười thuộc ô bao Đông kênh Hậu 700 của tỉnh Đồng Tháp, chiều dài sự cố là 3m, làm thiệt hại 148,62ha diện tích lúa Thu Đông của 55 hộ dân.

Do tác động của dòng chảy lũ, đã xảy ra sạt lở bờ sông Hậu khu vực ấp Mỹ Khánh 2 và Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang với chiều dài 102m, sâu vào trong đất liền từ 20-25m, gây ảnh hưởng và phải di dời khẩn cấp 11 hộ dân/43 nhân khẩu và ảnh hưởng tới 7 hộ dân trong khu vực.

Phó Thủ tướng thăm tặng quà nhân dịp Trung thu tại điểm giữ trẻ tập trung trường mẫu giáo Cần Sen 2

Lãnh đạo UBND các tỉnh khẳng định, mức lũ tương đương năm 2000 nhưng năm nay về cơ bản các địa phương có thể chủ động điều tiết lũ, giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất và đặc biệt là chưa có thiệt hại về tính mạng. Năm 2000, đã có 482 người chết và mất tích, trong đó có 386 trẻ em.Theo ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai, các địa phương rất chủ động trong triển khai ứng phó với lũ; đã tổ chức họp triển khai đến cấp huyện các giải pháp ứng phó tình huống xảy ra lũ lớn; cử các đoàn công tác xuống các địa phương hướng dẫn, đôn đốc tăng cường thông tin, truyền thông về ứng phó với lũ; hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao, an toàn cho người, nhất là trẻ em.

“Đây là kết quả từ việc ưu tiên đầu tư các công trình phòng chống lũ (đê bao, bờ bao, cụm tuyến dân cư vượt lũ…), điều chỉnh tập quán sản xuất, đồng thời nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó của chính quyền và người dân các địa phương”, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định.

Ứng phó, sống chung với lũ

Ghi nhận và  đánh giá cao những kết quả đã đạt được cũng như nỗ lực của các địa phương trong ứng phó với lũ  đầu mùa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị không được chủ quan, hết sức chủ động để ứng phó với lũ trong thời gian tới.

“Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng của người dân, nhất là tính mạng trẻ em, học sinh. Phát huy kinh nghiệm, tiếp tục tổ chức quản lý tốt các điểm trông giữ trẻ tập trung; quản lý việc giao thông trên sông nước, đưa đón học sinh tới trường, tổ chức các điểm cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ kịp thời nhân dân khi xảy ra sự cố, tai nạn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.Trước dự báo lũ năm nay còn tiếp tục kéo dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh vùng đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang, Long An, Kiên Giang cần chủ động đề phòng những diễn biến phức tạp có thể xảy ra, triển khai thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Cùng với đó, phải tập trung chủ động di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm; rà soát, nắm tình hình, tổ chức tốt việc cứu trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn bị ngập lụt; đảm bảo chương trình học tập cho học sinh, quản lý, đưa đón học sinh đến trường an toàn, tổ chức học bù cho học sinh tại các vùng ngập lũ ảnh hưởng đến điều kiện học tập.

Đề nghị các địa phương chủ động kinh phí, phương tiện, nguồn lực để bảo vệ các công trình hạ tầng lớn, bảo vệ sản xuất, mùa màng; đảm bảo điều kiện y tế, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân; ngay sau khi lũ rút, xử lý vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh, nhất là bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp.

Đối với diện tích lúa còn chưa thu hoạch được, cần tập trung bảo vệ tối đa, tổ chức hộ đê, bảo vệ bờ bao, hạn chế bị vỡ thêm; tổ chức thu hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sản xuất vụ Đông Xuân (giống, phân bón, bơm tiêu ở một số khu vực để kịp thời vụ).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt diễn biến lũ để chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương, hướng dẫn triển khai các giải pháp ứng phó. Ngành nông nghiệp cũng được yêu cầu tổng hợp thiệt hại do lũ gây ra để kịp thời tham mưu cho Chính phủ hướng xử lý; phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát đề xuất chính sách di dời dân cư khu vực sạt lở ven sông, kênh rạch; hỗ trợ người dân vùng ngập lũ xây dựng sàn nhà (nhà trên cọc) vượt lũ; khẩn trương triển khai quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai khu vực đồng bằng sông Cửu Long để chủ động ứng phó với lũ, bão..

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường tăng cường công tác dự báo và nhận định về diễn lũ sát thực tế

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tăng cường công tác dự báo, nhận định về diễn biến lũ sát thực tế để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp được kịp thời, hiệu quả.

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - Bộ Quốc phòng chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương triển khai hộ đê, sơ tán dân; Bộ Công an chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh tại khu vực bị ảnh hưởng, sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó với lũ; Bộ Y tế rà soát phương án đảm bảo phòng chống dịch bệnh phát sinh mùa nước nổi.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển theo hướng “thuận thiên”.

“Phải tập trung tái cấu trúc kinh tế, đổi mới sản xuất, mô hình tăng trưởng. Các địa phương phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương rà soát lại các quy hoạch, trong đó đặc biệt chú ý quy hoạch bố trí lại dân cư, quy hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm… để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, cân đối nguồn lực và thời gian, tiến độ triển khai có hiệu quả”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Theo: http://mnews.chinhphu.vn