TextBody
, 24/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2017

06/08/2018

(WIP) - Ngày 06/8/2018, tại Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2017 và định hướng giai đoạn 2018 - 2020.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đồng chủ trì Hội nghị.

Dự hội nghị có Ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Văn Trì -  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương trong toàn quốc cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Chánh văn phòng Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và một số đơn vị trực thuộc Viện: Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường; Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình; Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi; Viện Thủy công; Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo; Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông Biển; Trung tâm Tư vấn PIM và Ban Kế hoạch Tổng hợp.

Theo báo cáo, sau thời gian 5 năm thực hiện, chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã lựa chọn, thực hiện 69 đề tài, dự án bám sát các mục tiêu và nội dung cơ bản của Chương trình trong tổng số gần 1.000 đề xuất nhiệm vụ từ các bộ, ngành và địa phương; tạo ra 246 sản phẩm mới, 26 công nghệ mới với 74 sản phẩm là các kiến nghị giải pháp cơ chế chính sách của 42 đề tài, dự án được tiếp nhận để sử dụng; xây dựng được 187 mô hình, trong đó có 87 mô hình được triển khai nhân rộng; giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố cả nước được hưởng lợi; giúp các địa phương, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt; Chương trình cũng triển khai đào tạo, tập huấn kiến thức về quản lý sản xuất theo chuỗi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới... cho hơn 11 nghìn người. Ưu điểm nổi bật của chương trình là thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án, đóng góp kinh phí đối ứng tới 43% tổng kinh phí thực hiện và đã thiết lập được cầu nối vững chắc giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, bước đầu đảm bảo công bằng thương mại cho nông dân; chính quyền các địa phương tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án ngay trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngoài ra, các mô hình dự án của chương trình được nhân rộng ở các vùng sản xuất trọng điểm tại đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; thu hút được sự phối hợp tham gia, lồng ghép nguồn lực của 3 Chương trình KHCN vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và hàng nghìn chuyên gia, cán bộ khoa học của nhiều chuyên ngành, hàng trăm giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tham gia thực hiện các đề tài, dự án.

Toàn cảnh Hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đánh giá cao các thành tựu đạt được trong 05 năm thực hiện Chương trình. Đồng thời, cũng biểu dương sự đóng góp và tham gia của các Bộ, ban, ngành, địa phương, Ban chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm Chương trình, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân cho Chương trình.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, chương trình cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, xác định rõ tiêu chí lựa chọn đề tài, dự án để bảo đảm sự chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn, tránh dàn trải, tập trung được nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; sớm hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện; có những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; gắn nghiên cứu mới với đúc kết bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước...

"Các đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án xây dựng mô hình nhất thiết phải có hiệu quả thực tế, góp phần làm sáng tỏ các cơ sở khoa học và thực tiễn để giải quyết những vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành. Có cơ chế lồng ghép nguồn lực của các chương trình khoa học công nghệ các cấp trong cả nước phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là phối hợp có hiệu quả với ba Chương trình khoa học công nghệ vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; ưu tiên nghiên cứu xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới đặc thù và các dự án xây dựng mô hình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người...", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị./.

Theo: http://www.vawr.org.vn