(WIP) - Rađa đất nói riêng và các phương pháp địa vật lý nói chung đã chứng minh được tính khả thi trong việc đánh giá hiện trạng và dò tìm ẩn họa bên trong các công trình thủy lợi như: hang rỗng, thoát không, bất đồng nhất.... Yếu tố quyết định đến kết quả khảo sát của phương pháp rađa đất là hằng số điện môi của đất, đây là tham số giúp ta tính toán chính xác khoảng cách từ bề mặt tới đối tượng quan tâm. Vì vậy, công tác điều tra, khảo sát nhằm xác định hằng số điện môi của đất trong môi trường đê là vô cùng cần thiết.
Từ ngày 11/12/2017 đến ngày 14/12/2017, Phòng Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tiến hành điều tra khảo sát nhằm xác định hằng số điện môi của đất tại một số đoạn đê bao gồm: đê hữu Cầu, huyện Yên Phong, đê hữu Thái Bình, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh và đê hữu Hồng, thành phố Hà Nội.
Điều tra, khảo sát xác định hằng số điện môi của đất tại đê hữu Thái Bình, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh
Với mục đích xác định hằng số điện môi của đất, các chuyên gia Phòng Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã sử dụng hệ thiết bị rada đất SIR-30 GSSI do Mỹ chế tạo để xác định vận tốc truyền sóng điện từ bằng cách cấy một thanh thép có đường kính 14mm ở độ sâu xác định vào thân đê, từ đó hằng số điện môi của đất được tính toán theo công thức:
εr = c2/v2
Trong đó: εr là hằng số điện môi của đất,
c = 0,3m/ns là vận tốc truyền sóng điện từ trong không khí,
v (m/ns) là vận tốc truyền sóng điện từ trong đất được xác định bằng phương pháp trên.
Điều tra, khảo sát xác định hằng số điện môi của đất tại đê hữu Hồng, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội
Kết quả của chuyến khảo sát đã cung cấp giá trị hằng số điện môi của đất tại một số đoạn đê nói trên. Giá trị này là tham số đầu vào cho phương pháp Rađa đất, phục vụ công tác đánh giá hiện trạng và dò tìm ẩn họa bên trong các công trình thủy lợi như: hang rỗng, thoát không, bất đồng nhất…/.
Người viết: KS. Phạm Lê Hoàng Linh
Phòng Nghiên cứu Ứng dụng Địa vật lý
Tin mới nhất